Campuchia căng thẳng, Hun Sen khẳng định không ra nước ngoài, không từ chức

Mất đi 22 ghế là hồi chuông báo động đối với ông Hun Sen và khiến ông có thể phải đối phó những thách thức từ nội bộ CPP

Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) cuối ngày 30-7 tuyên bố họ mới là người chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 28-7. Đây là bước đi mới của CNRP sau khi cáo buộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền gian lận bầu cử và kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế.

Tấn công liên tiếp

Nghị sĩ Yim Sovann, người phát ngôn của CNRP, khẳng định đảng này giành được 63 trong tổng số 123 ghế quốc hội, 60 ghế còn lại thuộc về CPP. “Kết quả này dựa trên số liệu mà chúng tôi thu thập ở nhiều tỉnh khác nhau” - ông Yim Sovann nói. Trước đó, kết quả sơ bộ cho thấy CPP giành được 68 ghế, tuy là bước lùi lớn nhưng vẫn đánh bại CNRP với 55 ghế.


	Trưởng đoàn quan sát của Indonesia Muhammad Jusuf Kalla (phải) kiểm tra tem bảo chứng

Trưởng đoàn quan sát của Indonesia Muhammad Jusuf Kalla (phải) kiểm tra tem bảo chứng trước khi mở cửa điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal ngày 28-7

Sau CNRP, chiều 30-7, Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC cũng đề nghị thành lập ủy ban điều tra độc lập sau khi không giành được ghế nào ở quốc hội.

Giới phân tích dự đoán tình hình tại Campuchia sẽ thêm căng thẳng cho đến khi Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) công bố kết quả chính thức vào giữa tháng 8. Cả Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đều bày tỏ lo ngại song cho rằng Campuchia nên tự điều tra. Đề nghị mời Liên Hiệp Quốc tham gia điều tra của thủ lĩnh CNRP Sam Rainsy đã bị chính phủ Campuchia bác bỏ hôm 30-7.

Lúc này, cảnh sát và quân đội vẫn bố trí lực lượng trên nhiều con đường ở Phnom Penh. Tư lệnh Quân cảnh Campuchia, Đại tướng Sao Sokha, đã điều động cấp phó của mình là Đại tướng Vong Pi Sen đến thủ đô để giám sát. Dù vậy, hoạt động buôn bán hầu hết đã bình thường trở lại.

Ông Hun Sen lên tiếng

Sau nhiều ngày im lặng, hôm 31-7, Thủ tướng Hun Sen cũng đã lên tiếng, khẳng định sẵn sàng đàm phán với phe đối lập. “Chúng tôi mở rộng trái tim để thỏa hiệp nhằm xây dựng quyền lãnh đạo tại quốc hội. Chúng ta phải tôn trọng quyết định của người dân. Nếu không, bạo lực có thể diễn ra, khiến cả đất nước bất ổn” - ông nói trong khi đi kiểm tra một công trình xây dựng, Dù vậy, ông Hun Sen vẫn gọi mình là “thủ tướng được bầu”.

Đây là phát biểu đầu tiên của ông Hun Sen kể từ ngày 28-7. Trước đó, thông cáo ngày 30-7 của CPP phủ nhận việc ông Hun Sen đã từ chức và rời bỏ đất nước.

Giới phân tích nhận định sau 28 năm cầm quyền, vị thủ tướng 60 tuổi đang phải đối mặt với những thách thức chính trị mới. Nếu đúng như kết quả sơ bộ, CPP chỉ giành được 68/123 ghế quốc hội, tức là mất đi ưu thế 2/3, cũng đồng nghĩa với việc cần sự đồng thuận từ phe đối lập nếu muốn chỉnh sửa hiến pháp. “Mất đi 22 ghế là hồi chuông báo động đối với ông Hun Sen. Ông có thể phải đối phó những thách thức từ nội bộ CPP dù hiện giờ chưa có nguy cơ nào thực sự” - Chea Vannath, nhà phân tích người Campuchia, nói.

Nhà phân tích Kem Ley cho rằng ông Hun Sen có thể liên minh với phe đối lập để chia sẻ quyền lực như từng làm trong quá khứ. Tuy nhiên, ông Sam Rainsy thẳng thừng tuyên bố CNRP sẽ không thương thảo với CPP để phân chia các vị trí trong chính phủ, bất chấp sự bắt tay này có thể củng cố vị thế mạnh nhất mà phe đối lập có được kể từ năm 1998. Thậm chí, theo các chuyên gia luật, CNRP có khả năng ngáng đường thành lập chính phủ mới bằng cách từ chối tiếp nhận các ghế quốc hội mà họ giành được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại