Ba ngày sau khi hai tòa tháp cao nhất New York bị máy bay đâm, một thông điệp bí mật được gửi đến tất cả chi nhánh của CIA tại nước ngoài, với nhiệm vụ ngay lập tức lên danh sách các địa điểm tiềm năng có thể dùng làm nơi giam giữ tù nhân.
Yêu cầu khẩn cấp này được đích thân trưởng Văn phòng chống khủng bố CIA Cofer Black chỉ đạo.
Theo báo Washington Post, thật ra CIA đã “tranh thủ” vượt quyền vì phải chờ thêm ba ngày nữa một văn bản tuyệt mật mới được tổng thống George W. Bush ký cho phép CIA bắt và giam giữ nghi phạm khủng bố.
Mệnh lệnh đó đặt viên gạch đầu tiên cho hệ thống nhà tù bí mật của CIA trải trên nhiều vùng lãnh thổ trong đó có Afghanistan, Thái Lan, Ba Lan, Romania và Lithuania.
“Mắt mèo” - nhà tù đầu tiên
Những tuần tiếp theo, các điệp viên của Mỹ cân nhắc năm quốc gia thuộc hai châu lục có thể là nơi thiết lập các nhà tù và họ đích thân khảo sát ít nhất ba địa điểm tại mỗi quốc gia trên.
Bản báo cáo vừa công bố của Thượng viện Mỹ không nêu rõ những nước nào được chọn ban đầu, tuy nhiên các phương án sau đó bị gạt bỏ.
CIA thậm chí đã nghĩ đến việc giam giữ tù nhân tại các căn cứ quân sự của Mỹ trước khi tình thế buộc họ phải “tùy cơ ứng biến”.
Tháng 3-2002, giới chức Pakistan bắt được một nghi phạm al-Qaeda tên Abu Zubaida và giao cho CIA. Tình báo Mỹ không thích phương án giao Zubaida cho quân đội, một phần vì việc này cũng đồng nghĩa phải khai vụ bắt giữ với Hội đồng Chữ thập đỏ quốc tế.
Nếu mang hắn đến căn cứ Mỹ tại vịnh Guantanamo thì CIA có thể mất quyền kiểm soát vào tay quân đội hoặc Cục điều tra liên bang (FBI).
Từ tình thế đó, chỉ trong vài ngày CIA chọn được một địa điểm tại Thái Lan, nơi sẽ trở thành nhà tù bí mật đầu tiên của họ.
Quyết định được đưa ra nhanh chóng, thậm chí cả Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao, sứ quán Mỹ tại Thái Lan hay trưởng phân vùng CIA tại nước này đều không hay biết gì.
Tuy tổng thống Bush sau đó thông qua quyết định trên nhưng đây cũng là nhà tù duy nhất của CIA được tổng thống hay phó tổng thống biết đến. Tấm màn bí mật CIA phủ đến tận Nhà Trắng được bào chữa là nhằm tránh việc “vô ý tiết lộ”.
Gần như lập tức CIA gặp rắc rối. Một ngày sau khi Abu Zubaida được chuyển đến Thái Lan, chính quyền bắt đầu đưa ra những điều kiện mới đổi lại sự thỏa hiệp, trong đó có việc tiếp cận các thông tin tình báo của Mỹ không liên quan gì đến khủng bố.
Các quan chức Thái Lan ban đầu ủng hộ kế hoạch của CIA bỗng dưng bị thay bằng những người khác có quan điểm phản đối, họ yêu cầu nhà tù phải đóng cửa “trong vòng ba tuần”.
CIA cuối cùng phải dùng đến chiêu vận động hành lang để thuyết phục các quan chức này. Nhưng mọi sự không ngờ là đến tháng 11-2002 địa điểm nhà tù tại Thái Lan đã bị lộ ra ngoài.
Tờ New York Times đăng tải thông tin nhưng không nói ai là tay trong tiết lộ. Dù vậy sự để ý của giới truyền thông buộc CIA phải đóng cửa trại giam tại Thái Lan, được biết đến với mật danh là “Mắt mèo”.
Đằng sau một biệt thự tại Ba Lan
CIA đóng cửa nhà tù tại Thái Lan tháng 12-2002, thời điểm đó chương trình thẩm vấn nghi phạm khủng bố đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị.
Nhiều tuần trước, 11 sĩ quan CIA đầu tiên đã “tốt nghiệp” khóa đào tạo kỹ thuật thẩm vấn sau khi thuần thục các chiêu “đấm vào bụng” hay “bẻ ngón tay”.
Cùng lúc đó, CIA bắt đầu tìm kiếm các địa điểm mới để làm nhà tù, trong đó gồm ba địa điểm tại Đông Âu và một tại Morocco.
Tù nhân al-Qaeda Zubaida và một nghi phạm khác tên Abd al-Rahim al-Nashiri được chuyển đến một cơ sở tại Ba Lan. Nó nằm đằng sau tòa biệt thự hai tầng thuộc một trung tâm huấn luyện quân sự cách thủ đô Warsaw ba giờ chạy xe về phía bắc.
Các nhà tù khác gồm một tầng hầm có sáu phòng giam thuộc một tòa nhà chính phủ ở Bucharest (Romania) và một ngôi nhà hai tầng kín mít gần một trang trại ngựa đua ở Lithuania.
Năm 2003 xảy ra một vụ “đụng độ”. đại sứ Mỹ tại Romania Michael Guest phát hiện nhà tù của CIA và chuẩn bị báo cáo sự việc lên cấp trên.
Trưởng phân vùng CIA Romania nói với ông chuyện đó “bất khả thi” vì không ai trong Bộ Ngoại giao hay thậm chí ngoại trưởng Mỹ biết điều này.
Vị đại sứ yêu cầu một văn bản có chữ ký của cố vấn an ninh quốc gia khi đó là bà Condoleezza Rice chứng thực nhà tù là hợp pháp.
CIA đã dàn xếp vụ này bằng cách nhờ thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage can thiệp, tuy nhiên ông này cũng không quên “dặn” CIA phải báo cáo thường xuyên cho ông và ngoại trưởng Colin Powell.
Đó là “đối nội”, còn trong lĩnh vực “đối ngoại”, các chỉ huy CIA luôn khuyến khích lính của mình “nghĩ thoáng” trong việc tìm cách làm hài lòng các cơ quan tình báo nước ngoài.
Đại diện CIA Romania trở về với tờ giấy ghi điều ước bảy con số và được cấp nhiều hơn 1 triệu so với yêu cầu.
Trong khi đó Cơ quan Tình báo Ba Lan nhận được 15 triệu USD gồm toàn các tờ đôla mệnh giá 100 USD đựng trong hộp giấy.
“Chúng tôi chưa bao giờ đếm. Tôi sẽ không đếm loại tiền đó để kiếm hóa đơn đâu” - một quan chức cao cấp CIA khai.
Dù tỏ ra hào phóng nhưng quan hệ giữa CIA và các chính phủ sở tại liên tục gặp hạn, một phần do giới truyền thông không ngừng khai thác thông tin khiến dư luận phẫn nộ.
Một bài điều tra của Washington Post năm 2005 khiến Romania ra lệnh đóng cửa ngay lập tức nhà tù của CIA trên lãnh thổ nước này.
Những địa điểm khác cũng gặp khó khăn do CIA không thể tiếp cận các cơ sở y tế “phù hợp” với chương trình tra khảo của họ. Tại Lithuania, một bệnh viện từ chối cho phạm nhân Mustafa Ahmad al-Hawasi nhập viện cấp cứu,
Lầu Năm Góc cũng ngoảnh mặt buộc CIA phải trả hàng triệu đôla để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên thứ ba. Năm 2006, họ đóng cửa nhà tù tại Lithuania.
Từ ngày 11-9-2001, CIA bắt giữ tất cả 119 nghi phạm khủng bố, đến đầu năm 2006 chỉ còn lại 28 người. Sau khi cơ sở tại Lithuania đóng cửa, họ thả một số tù nhân và di chuyển số còn lại đến vịnh Guantanamo.