Lebanon
An ninh được siết chặt và dường như bầu không khí lo lắng đang ngày càng bao trùm Beirut, nơi nhiều người tin rằng, những cuộc tấn công nhằm vào Damascus, nằm cách đó không đầy 70 dặm, sẽ làm bất ổn hơn nữa một Lebanon vốn đã là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc nội chiến Syria.
Chính phủ Lebanon cho đến nay vẫn cố gắng đứng ngoài cuộc xung đột Syria, nhưng điều đó không ngăn được đổ máu và làn sóng tị nạn ồ ạt đến vùng biên giới. Cứ 6 người sống ở Lebanon hiện nay thì có 1 người tị nạn Syria.
Israel
Hàng ngàn người dân ở các thành phố trên khắp Israel đã đổ xô đến các trung tâm phát mặt nạ phòng độc vì lo ngại Syria sẽ tấn công trả đũa bằng vũ khí hoá học.
Trong khi đó, thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẵn sàng cho bất cứ viễn cảnh nào, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả Syria nếu bị tấn công.
Jordan
Tại Amman, thành phố nằm cách biên giới Syria chừng một giờ lái ô tô, và đương nhiên nằm gọn trong tầm tên lửa Syria, nhiều người lo ngại sự liên quan của Jordan trong cuộc nội chiến ở nước láng giềng có thể dẫn đến những vụ tấn công trên chính lãnh thổ của họ.
Vua Abdullah là một trong những đồng minh quan trọng của phe đối lập Syria và là nhà lãnh đạo Arập đầu tiên kêu gọi ông Assad ra đi. Ngoài ra, đại đa số người Jordan theo dòng Hồi giáo Sunni và rất cảm thông với phe đối lập Syria. Đó là chưa kể việc Arập Xêút sử dụng Jordan làm nơi trung chuyển vũ khí lậu cho phiến quân Syria.
Iraq
Tại đất nước nơi ít nhất 30.000 người Syria đã bỏ chạy tị nạn sang đây chỉ trong vỏn vẹn 5 ngày cuối tháng 8 vừa qua, chính phủ đã được đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ Mỹ tấn công Syria.
Chính phủ Iraq, do người Shiite kiểm soát, phản đối can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria, trái với một bộ phận người Hồi dòng Sunni.
Saudi Arabia
Quốc gia siêu cường của người Sunni trong khu vực vẫn đang bước đi thận trọng đối với vấn đề Syria. Ryadh không công khai về việc có ủng hộ cuộc can thiệp quân sự của phương Tây hay không, tuy nhiên, ngoại trưởng nước này từng kêu gọi Hội đồng Bảo an (LHQ) phải đỡ bớt gánh nặng với người dân Syria và cho rằng chính quyền Assad vẫn còn uy tín trong thế giới Arập.
Ai Cập
Tại đất nước còn đang chìm trong khủng hoảng, nhiều đảng chính trị cũng bày tỏ phản đối can thiệp nước ngoài vào Syria. Phong trào Tamarrod, dẫn đầu cuộc phế truất cựu Tổng thống Morsi, đã chỉ trích Mỹ và kêu gọi chính phủ Ai Cập không hợp tác trong trường hợp phương Tây tấn công Syria.
Yemen
Quốc gia liên tục bị máy bay không người lái Mỹ quần thảo để truy diệt các phần tử al Qaeda, đã gần như không thể tìm ra bất cứ ai ủng hộ Mỹ không kích Syria.
Tuy vậy, ông Ahmed Bahri, lãnh đạo đảng Haq của Yemen cho rằng, "người Arập không còn tin Mỹ nữa nhưng một số nhà lãnh đạo Arập có thể đi ngược lại mong muốn của nhân dân nước họ".
Nhiều người Yemen muốn ông Assad ra đi, số khác lại lo ngại các nhóm Sunni cực đoan sẽ thay ông nắm quyền, và có thể dẫn đến hình thành một thế hệ khủng bố mới trong khu vực.