Các kịch bản can thiệp của Mỹ tại Syria

Mỹ có lý do để thận trọng với cuộc chiến tại Syria song đang đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc can dự vào cuộc xung đột.

Chính quyền Mỹ không muốn kho vũ khí hạt nhân lớn và nằm rải rác tại Syria lọt vào tay những kẻ không mong muốn hoặc được mang ra sử dụng. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa vũ khí hóa học sẽ cần đến một chiến dịch đồ sộ trên bộ mà Washington đang hết sức né tránh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể buộc phải tìm cách can thiệp mà không đưa bộ binh vào Syria. Trong một bài phân tích hôm 2.5, hãng tin tức tình báo Stratfor đã đưa ra ba lựa chọn mà ông Obama có thể áp dụng với tình thế tại Syria.

Vùng cấm bay

Hình thức can thiệp giới hạn đầu tiên và trực tiếp nhất là thiết lập vùng cấm bay tại Syria. Điều này sẽ đòi hỏi Mỹ phải thực hiện một chiến dịch đập tan hệ thống phòng không của Syria trước khi tiến hành tuần tiễu trên bầu trời nước này.

Vùng cấm bay sẽ loại bỏ ưu thế quan trọng nhất của quân chính phủ Syria so với quân nổi dậy và đẩy nhanh quá trình sụp đổ của Tổng thống Bashar Assad. Tuy nhiên, việc này có thể làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực, vốn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu đoàn kết của quân nổi dậy.

Hơn nữa, kế hoạch này sẽ không giải quyết được vấn đề vũ khí hóa học. Các binh sĩ Mỹ cũng đối mặt với các nguy cơ bị giết hoặc bị bắt làm tù binh. Để thực thi kịch bản, Mỹ chắc chắn cần phải điều ít nhất một tàu sân bay của hạm đội 6 để cung cấp chiến đấu cơ cho sứ mệnh.

Các kịch bản can thiệp của Mỹ tại Syria
Máy bay của quân đội Syria trong chiến dịch không kích quân nổi dậy - Ảnh: Reuters

Oanh tạc

Lựa chọn thứ hai của ông Obama là hình thức oanh tạc bằng máy bay hoặc tên lửa hành trình. Chiến dịch này sẽ gợi nhớ đến cuộc đánh bom Iraq vào năm 1998 (chiến dịch Cáo sa mạc) và sẽ được lên kế hoạch để gửi một thông điệp rõ ràng đến Syria mà không đặt lực lượng Mỹ trước các nguy cơ như trong kế hoạch thiết lập vùng cấm bay.

Nếu chính phủ Mỹ muốn xử lý vấn đề vũ khí hóa học , họ có thể tấn công trực tiếp các cơ sở song điều này có thể dễ dàng làm nhiễm độc các khu dân cư ở gần đó và không chắc sẽ tiêu diệt được toàn bộ kho vũ khí trong cơ sở.

Hơn nữa, tính hiệu quả của những cuộc oanh tạc phần lớn phụ thuộc vào độ chính xác của các thông tin tình báo. Mỹ có vẻ như nắm được chính xác một số địa điểm của các kho vũ khí song những vũ khí này có thể dễ dàng được di chuyển và phân tán nên các nhà lập kế hoạch của Mỹ khó có thể hoàn toàn tự tin rằng họ đã tính đến mọi tình huống.

Một chiến lược khác để nhắm đến vũ khí hóa học là tập trung vào các hệ thống phóng như tên lửa Scud và các khẩu đội pháo. Song ngay cả chiến lược này cũng không thể được thực hiện triệt để. Việc tiêu diệt mọi tên lửa Scud, mọi khẩu pháo và hệ thống tên lửa có khả năng mang theo vũ khí hóa học là điều không thể.

Mỹ cũng có thể tấn công các sân bay của Syria để chứng tỏ Washington thực sự ra tay và đây sẽ là lựa chọn leo thang nhất của Washington. Ngoài ra, lựa chọn này cũng không đặt ra nguy cơ các vũ khí Mỹ sẽ được sử dụng để chống Mỹ sau này.

Những trở ngại chính của lựa chọn là kế hoạch cần có sự can dự trực tiếp và có khả năng biến thành một sứ mệnh kéo dài và lan rộng. Bất kỳ hành động nào nhằm tác động đến chiều hướng của cuộc chiến cũng có thể mang lại những hậu quả thảm khốc.

Vũ trang cho quân nổi dậy

Lựa chọn thứ ba, vốn được chính quyền Obama cân nhắc nhiều nhất theo những thông tin gần đây, là viện trợ vũ khí sát thương cho quân nổi dậy. Quân đội Mỹ có thể thực hiện điều này một cách dễ dàng. Họ có năng lực hậu cần tốt và có các hệ thống vũ khí đáng tin cậy, như tên lửa dẫn đường chống tăng và tên lửa đất đối không, vốn có thể hỗ trợ tốt cho quân nổi dậy.

Mỹ hiện đã gián tiếp nhận diện và vũ trang cho một số nhóm cụ thể tại Syria. Tuy nhiên, kế hoạch cũng đặt ra câu hỏi liệu quân nổi dậy có thể được nhận diện, vũ trang và định hình để giúp đạt được kết quả mong muốn tại Syria sau khi chính phủ nước này sụp đổ hay không. Ngoài ra, quân nổi dậy cần phải được tin cậy và được đào tạo để sử dụng các hệ thống vũ khí khá tối tân, gồm cả các vũ khí hóa học mà họ sẽ thừa hưởng.

Việc thu hồi các vũ khí sau khi chúng lọt vào tay quân nổi dậy là cực kỳ khó. Kế hoạch này gợi nhớ đến chương trình vũ trang tại Afghanistan vào thập niên 1980 vốn để lại những hậu quả trái ngược trong nhiều thập niên sau đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại