Binh pháp Tôn Tử và ảo tưởng nguy hiểm của Trung Quốc

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Bằng cách thường xuyên lường gạt và bắt nạt láng giềng, Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả từ những hạn chế trong tư tưởng của “Binh pháp Tôn Tử”.

Binh pháp Tôn Tử” (The Art of War) của Tôn Vũ là một học thuyết chiến lược lỗi lạc. Đó là điều không cần phải bàn cãi.

Rất nhiều người, từ Giám đốc điều hành Larry Ellison của Tập đoàn phần mềm Oracle đến HLV Belichick của Cậu lạc bộ bóng đá New England Patriots đều trích dẫn những câu châm ngôn nổi tiếng của viên tướng cổ đại này. Ngay cả Tướng Mỹ Norman Schwartzkopf cũng là một tín đồ của Tôn Vũ.

Thế nhưng, khi được áp dụng vào chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay, “Binh pháp Tôn Tử” lại đang đưa Bắc Kinh đi sai đường lạc lối.

 	Người Philippines biểu tình, đốt cờ phản đối Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông

Người Philippines biểu tình, đốt cờ phản đối Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông

Edward Luttwak, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và là nhà chiến lược quân sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington đã lý giải khá rõ điều này trong cuốn sách mới của ông với tựa đề “The Rise of China vs. the Logic of Strategy”.

Luttwak lập luận rằng, bằng cách thường xuyên lường gạt và bắt nạt các nước láng giềng, Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả từ những hạn chế trong tư tưởng chiến lược cổ đại mà Tôn Vũ đề cập đến ở “Binh pháp Tôn Tử”. Những hành động ngoại giao của Trung Quốc gần đây đã gây nên sự bất bình đối với chính Trung Quốc.

Khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, chỉ có 5% người Nhật Bản và 37% người Mỹ có thái độ tích cực với Trung Quốc, giảm 24 và 14 điểm phần trăm tương ứng so với các cuộc điều tra trước đó. Như thế, rõ ràng, Luttwak kết luận, đang có điều gì đó rất sai lầm trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện nay.

Mải mê theo Binh pháp, Trung Quốc biến bạn thành thù

Theo Edward Luttwak, tác phẩm “Binh pháp Tôn Tử” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất ngưỡng mộ đang là một cản trở đối với chính sách ngoại giao của nước này. Trung Quốc tin rằng học thuyết của Tôn Vũ chứa đựng vô số những bí quyết thành công. Nhưng trên thực thế, lịch sử của Trung Quốc lại là một chuỗi dài những thất bại. Họ đã bỏ qua sự thực này khi mải mê theo đuổi những mưu mô, mánh khóe từ “Binh pháp Tôn Tử”.

Đó là những chiêu trò thông minh, phát huy được hiệu quả trong cùng một nền văn hoá nhưng không có tác dụng khi áp vào liên văn hóa. Hãy nhìn cảnh vó ngựa quân Mãn Châu tiến đánh nhà Minh khi các tướng lĩnh triều đại này đang bận mải ôn luyện Binh pháp thì sẽ thấy. Họ đã chinh phục và cai trị Trung Quốc trong suốt 300 năm sau đó.

Hơn 1.500 năm qua, Trung Quốc chịu sự cai trị của nước ngoài nhiều hơn là của chính người Trung Quốc.

Tôn Vũ dạy rằng bạn không nên sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt kẻ thù mà chuốc lấy thiệt hại lớn, hãy sử dụng nó như một thủ pháp thông minh để khiến đối phương phải làm điều bạn muốn.

Áp dụng học thuyết trên vào trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã không đưa tới đây một hạm đội xâm lược để phát động chiến tranh. Nước này sử dụng những động thái đe dọa với hy vọng “giành chiến thắng mà không cần chiến tranh”.

Hậu quả là, cách hành xử kiểu như trên đã khiến Nhật Bản từ bỏ xu hướng tiến đến quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc mà quay sang hợp tác với Mỹ. Về cơ bản, những hành động của Trung Quốc buộc Nhật Bản phải quân sự hóa chống lại chính Trung Quốc, một kết quả trái ngược với những gì mà Bắc Kinh mong muốn.

Một ví dụ khác nữa cũng rất rõ ràng, đó là việc Trung Quốc bất ngờ tấn công biên giới Ấn Độ năm 1962. Khi đó, Mao Trạch Đông nói rằng: Chúng ta sẽ không xâm chiếm Ấn Độ, chúng ta sẽ không phá hủy Ấn Độ. Chúng ta chỉ cần làm theo các chiến thuật phù hợp của Binh pháp: Không cần sử dụng vũ lực để đè bẹp kẻ thù, chỉ sử dụng nó để đe dọa và buộc họ trở lại bàn đàm phán. Nhưng toan tính của Trung Quốc lại chuốc lấy tác dụng ngược, do đó tới ngày nay tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết.

Chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 có thể đã không nổ ra nếu Trung Quốc không áp dụng mánh khóe của Binh pháp Tôn Tử
Chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 có thể đã không nổ ra nếu Trung Quốc không áp dụng mánh khóe của Binh pháp Tôn Tử

Những mánh khóe của Trung Quốc đã biến Nhật Bản từ khách hàng tiềm năng thành kẻ thù quyết đoán. Bắc Kinh cũng biến Philippines từ chỗ không cho Mỹ thiết lập căn cứ tại nước mình sang chỗ muốn Mỹ quay trở lại. Ngay cả với Indonesia và Ấn Độ, họ thực sự không có lý do thù địch gì nhưng chính Trung Quốc đã tạo ra sự đối kháng.

Binh pháp không "thiêng" khi ở ngoài Trung Quốc

Edward Luttwak cho rằng các tư tưởng của Binh pháp vẫn rất hữu ích. Chúng phát uy được tính hữu dụng tuyệt đối trong chính trị nội bộ của Trung Quốc. Học thuyết của Tôn Vũ đã dạy cho họ rất nhiều bài học quan trọng. Mao Trạch Đông đã sử dụng lý luận Binh pháp để chống lại Tưởng Giới Thạch hay ngược lại.

Nhưng học thuyết đó lại không thể áp dụng với người nước ngoài vì họ phản ứng rất khác nhau. Nếu quần đảo Senkaku thuộc về Vương quốc Trung Hoa, chiến lược của họ có thể sẽ phát huy tác dụng.

Từ những phân tích nêu trên, Luttwak kết luận rằng nếu muốn trở thành một cường quốc toàn cầu, một quốc gia cần phải có mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng của mình. Nếu Trung Quốc hiểu được điều này, họ sẽ tự hỏi: “Mỹ đã là được điều đó như thế nào?” Mỹ làm được vì không phải cái gì họ cũng cho mình là mạnh nhất.

Theo Luttwak, mấu chốt nằm ở chỗ, dù có sức mạnh vượt trội nhưng đừng tỏ ra cái gì mình cũng “đứng trên đầu” người khác. Hạn chế của Binh pháp Tôn Tử là nó khiến lãnh đạo Trung Quốc có cảm giác hết sức sai lầm, rằng họ luôn là bề trên của các nước láng giềng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại