Đại diện của Đảng Dân chủ và Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) - tổ chức đứng sau chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” - vắng mặt tại diễn đàn. Sau cuộc họp, bà Yingluck nói rằng không có cơ sở pháp lý nào để hoãn bầu cử. Còn Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana nhận định sự ủng hộ dành cho thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đang giảm xuống.
Trong lúc này, chiến dịch “Đóng cửa Bangkok” đã bước sang ngày thứ ba. Người biểu tình tiếp tục bao vây một số cơ quan nhà nước như Bộ An ninh nhân lực và Phát triển xã hội, Bộ Năng lượng, trụ sở Cảnh sát Hoàng gia...
Đã xảy ra bạo lực trong khoảng nửa đêm về sáng 15-1. Cảnh sát đã bắt 4 nghi phạm ném thuốc nổ (hoặc pháo hoa) vào nhà riêng của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, nay là chủ tịch Đảng Dân chủ. Không có ai bị thương trong vụ này. Ngoài ra, còn có một số vụ nổ súng lẻ tẻ gần các địa điểm biểu tình khiến khoảng 4-5 người bị thương.
Hãng tin Reuters đã đặt ra một số kịch bản cho chính trường Thái Lan sắp tới và phụ thuộc khá nhiều vào vai trò của quân đội. Thứ nhất là khả năng “đảo chính pháp lý” sau khi hệ thống tòa án Thái Lan tích cực bất thường trong mấy tuần gầy đây. Tòa án có thể không công nhận kết quả bầu cử, cấm các thành viên Pheu Thai hoạt động chính trị hoặc tệ hơn là giải tán đảng này.
Thứ hai, quân đội đảo chính trong trường hợp bạo lực leo thang, bất kể là do chính phủ hay người biểu tình khơi mào.
Thứ ba, bầu cử diễn ra và Đảng Pheu Thai chiến thắng, bà Yingluck tiếp tục làm thủ tướng. Lúc này, phe chống đối mất chỗ dựa tài chính và phe bảo hoàng sẽ bắt tay Pheu Thai sau hậu trường nhưng với điều kiện cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tiếp tục lưu vong. Tuy nhiên, cũng có thể phe đối lập kiên quyết không công nhận kết quả thắng cử của Pheu Thai và đâm đơn ra tòa án. Biểu tình lại nổ ra và quân đội lại can thiệp.
Kịch bản cuối cùng, bầu cử bị hoãn vô thời hạn và một lần nữa cần đến vai trò của quân đội
.