Khi tới quán cafe trên đường Pur Senche ngày 5/1, cảnh tượng mà phóng viên tờ Phnom Penh Post nhìn thấy là những mảnh kính vỡ, túi đựng cafe rải rác khắp nơi, quần áo và đồ lót của phụ nữ bị ném vào phòng tắm.
Trả lời phỏng vấn tờ Phnom Penh Post, Sok Min, 27 tuổi, một người Việt đã sống tại Campuchia 10 năm qua, bức xúc về sự việc xảy ra 3 ngày trước: "Họ đã lấy đi tất cả mọi thứ, kể cả quần áo, ti vi, xe máy, với tổng thiệt hại khoảng 40.000 USD. Tôi không biết phải làm gì lúc này... Họ chỉ nhắm vào những địa điểm của người Việt. Họ không động tới những nơi không phải của người Việt".
Theo ông Min, 3 nhân viên nữ của cửa hàng đã phải nhảy từ cửa sổ tầng 2 xuống để bỏ trốn.
Một người hàng xóm chứng kiến vụ việc nói rằng một nhóm khoảng 100 người từ đám đông biểu tình đã lao vào khu dân cư Borei Trapaing Kraloeng và rằng họ sẽ tấn công tất cả các cửa hàng của người Việt trong khu vực.
Trong khi đó, một xe ôm tên là Thar cho biết ông đã chứng kiến vụ việc từ xa, song thủ phạm không phải là những công nhân đình công: "Những người phá hoại cửa hàng không phải là công nhân dệt may, bởi một vài người trong số họ đi xe máy, trong khi đó, công nhân chỉ đi cùng đám đông, nhảy nhót và la hét đòi tăng lương".
Ông Yim Saran, cảnh sát trưởng khu vực Choam Chao, xác nhận vụ cướp bóc, song cho biết ông không chắc liệu các vụ tấn công tương tự có còn xảy ra trong khu vực này nữa hay không. Ông nói: "Tôi không biết ai là người gây ra vụ việc này".
Ông Doan Ba Kham, cha của Min, cho biết nhiều người quen của ông này đã quay trở về Việt Nam trong thời gian Campuchia xảy ra biểu tình.
Theo Phnom Penh Post, một cửa hàng khác của người Việt trong khu vực cũng đóng cửa kể từ sau khi nổ ra biểu tình bạo lực tại Phnom Penh hôm 3/1.