Bài viết trên báo Mỹ Wall Street Journal cho rằng những cuộc biểu tình đòi dân chủ không ngớt tại Hồng Kông đang đặt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thế "tiến thoái lưỡng nan."
Bất chấp nỗ lực trấn áp từ cảnh sát, lượng người tham gia biểu tình, trong đó đông đảo là học sinh sinh viên, vẫn không hề suy giảm. Dùi cui hay những loạt đạn hơi cay là không đủ để đẩy lùi hơn 80.000 người dân khỏi các khu phố trung tâm Hồng Kông.
Người biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ Hồng Kông. Ảnh: Getty Images
Trong bối cảnh Hồng Kông bị tê liệt kinh tế trầm trọng do ảnh hưởng từ cuộc biểu tình, ông Tập Cận Bình cho đến nay vẫn chưa có phát biểu chính thức nào liên quan đến sự việc này.
Với việc lượng người biểu tình nhiều khả năng sẽ tăng cao vào thứ tư, ngày nghỉ lễ ở Hồng Kông, Bắc Kinh không còn nhiều thời gian. Vào thời điểm này, ông Tập đứng trước hai lựa chọn: hoặc chiều theo nguyện vọng của người dân Hồng Kông và thay đổi hình thức bỏ phiếu chọn đặc khu trưởng, hoặc tăng cường biện pháp trấn áp.
Tuy có thể giải quyết được vấn đề trước mắt là dập tắt biểu tình, nhưng cả hai lựa chọn này đều sẽ dẫn tới những hệ lụy riêng của nó. Theo nguyện vọng của người dân Hồng Kông đồng nghĩa với việc Trung Quốc chấp nhận thành công của cuộc biểu tình, qua đó "vẽ đường cho hươu chạy" đối với các đặc khu hành chính và khu tự trị khác. Mặt khác, tăng cường biện pháp cưỡng chế biểu tình sẽ không khỏi gợi lại những kí ức đau buồn của sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Như đã nói ở trên, vấn đề hiện nay của Bắc Kinh không chỉ gói gọn trong việc dập tắt biểu tình Hồng Kông. Mối quan ngại về một "hiệu ứng domino" đang bao trùm giới cầm quyền Trung Quốc. Họ thừa hiểu rằng nếu tình hình tại Hồng Kông tiếp diễn sẽ tạo nên một làn sóng biểu tình đòi dân chủ tại các đặc khu hành chính và khu tự trị khác. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế của Bắc Kinh.
Với tình hình bất ổn tại Tây Tạng và Tân Cương hiện nay, cuộc biểu tình tại Hồng Kông chẳng khác gì "đổ thêm dầu vào lửa." Ngoài ra, những nỗ lực nhằm lôi kéo Đài Loan để thực hiện cái gọi là "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Diễn biến tại Hồng Kông những ngày gần đây đã làm phá sản hoàn toàn chiến dịch xây dựng hình ảnh của Trung Quốc tại Đài Loan," ông Alex Huang, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Tamkang, Đài Bắc, nhận xét.
Nói tóm lại, việc để cuộc biểu tình tại Hồng Kông xảy ra đã là một nước đi sai lầm của Bắc Kinh. Sự cương quyết của ông Tập trước đây giờ đã đặt ông vào thế "tiến thoái lưỡng nan." Sẽ rất khó để giới cầm quyền Trung Quốc, hiện tại cũng như trong tương lai, có thể kiểm soát được những hệ lụy xuất phát từ cuộc biểu tình lịch sử này.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh nhận định "phong trào đường phố" đã phá hủy hình ảnh của Hồng Kông, đồng thời cho rằng cảnh sát đã "kiềm chế khi xử trí với người biểu tình": "Là người Trung Quốc đại lục, chúng tôi cảm thấy buồn cho tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông hôm Chủ Nhật. Những lực lượng đối lập cực đoan ở Hồng Kông phải chịu trách nhiệm".
Tờ này còn lên án truyền thông phương Tây vì "ví phong trào Chiếm Trung Tâm với sự kiện Thiên An Môn năm 1989". "Bằng cách thổi phồng sự so sánh vô căn cứ như vậy, họ đã cố gắng làm sai lệch và khuấy động xã hội Hồng Kông. Trung Quốc ngày nay không còn là Trung Quốc của 25 năm trước. Chúng tôi đã tích lũy kinh nghiệm và rút ra bài học từ những quốc gia khác để rồi củng cố thêm khả năng đánh giá của mình trước những bất ổn xã hội", tờ báo này lên án.
- Hồng Anh -