Tình hình
Sau gần hai tuần biểu tình và ba vòng thảo luận sơ khởi, đại diện phe sinh viên và chính quyền Hồng Kông đã đồng ý đàm phán chính thức vào chiều thứ Sáu tuần này.
Nội dung cuộc đàm phán dự kiến sẽ xoay quanh phương thức thực hiện cải cách chính trị bằng luật pháp tại Hồng Kông trước thềm cuộc bầu cử trưởng đặc khu năm 2017. Lực lượng biểu tình đòi quyền tự do ứng cử, trong khi chính quyền vẫn cương quyết giữ vững thể chế bầu cử dựa trên danh sách ứng viên cho Bắc Kinh chọn sẵn.
Về mặt lý thuyết, cuộc đàm phán sắp tới được xem là một động thái tích cực giúp hai bên giải quyết mâu thuẫn nói trên cũng như chấm dứt tình trạng biểu tình kéo dài. Nhưng việc nó có thể dẫn tới các thỏa thuận vừa lòng cả hai bên hay không lại là một vấn đề khác.
Không mấy lạc quan
Dù đồng ý đàm phán, phe sinh viên Hồng Kông tỏ ra không mấy lạc quan về kết quả của cuộc đối thoại sắp tới. Theo họ, phe chính quyền đang "đánh trống lảng" bằng cách chuyển chủ đề đàm phàn nhằm tránh những vấn đề cốt lõi.
Thay vì tập trung vào những nguyện vọng trực tiếp của họ, cụ thể là bắt trưởng đặc khu Lương Chấn Anh phải từ chức cũng như trao quyền tự do ứng cử và bầu cử cho người dân Hồng Kông, phe biểu tình cáo buộc chính quyền đang "lái" nội dung cuộc đàm phán sang những vấn đề luật pháp mang tính chuyên môn như cơ sở hiến pháp cho cải cách chính trị và luật pháp quy định phát triển hiến pháp.
"Chúng tôi rất bất bình, thất vọng với sự giới hạn về nội dung của cuộc đàm phán sắp tới," lãnh đạo sinh viên Lester Shum nói.
Nhượng bộ
Khả năng đi đến một thỏa thuận vừa lòng cả hai bên trong cuộc đàm phán sắp tới là tương đối thấp, tuy nhiên vẫn có thể có một số hình thức nhượng bộ nhất định đến từ phía chính quyền.
Sẽ không có chuyện chính quyền trao cho người dân Hồng Kông quyền tự ứng cử và bầu cử vì điều đó trái với hiến pháp, nhưng chính quyền có thể cho phép người dân Hồng Kông tiến cử ứng viên. Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho rằng chính quyền có thể có những biện pháp tạo điều kiện cho người dân tham gia sâu hơn vào quá trình bầu cử.
Nói cách khác, sự nhượng bộ này sẽ phần nào tăng thêm quyền dân chủ cho người Hồng Kông trong bầu cử theo như ý muốn của họ, nhưng quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay chính quyền Đại lục.
Biểu tình còn tái diễn?
Trong khi chuẩn bị cho cuộc đàm phán, phe sinh viên Hồng Kông cũng đang phải chịu áp lực đến từ chính những người đồng hương của họ, những người không tham gia biểu tình.
Giao thông tắc nghẽn, các phương tiện công cộng đình trệ, kinh doanh thất thu, cửa hàng, trường học, văn phòng phải đóng cửa đã khiến cuộc sống của họ trong hai tuần vừa qua bị đảo lộn hoàn toàn.
"Tôi rất bức xúc vì những gì cuộc biểu tình này đang gây ra đối với cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của tôi. Cứ thế này có khi sẽ có một cuộc nổi dậy đến từ phần còn lại của Hồng Kông chống lại những người biểu tình," bà Polly Lau, một người đã sống cả đời tại Hồng Kông, chia sẻ với CNN.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc đàm phán sắp tới là cơ hội để phe biểu tình đạt được mục đích của mình. Thời gian đang chống lại họ, nếu tình hình biểu tình không đi tới kết quả tiếp diễn, phe sinh viên sẽ mất đi sự ủng hộ cực kì quan trọng đến từ phần còn lại của Hồng Kông.
Lãnh đạo sinh viên Joshua Wong Ảnh: EPA
Trong những ngày gần đây, số người biểu tình đã giảm đáng kể, phần vì mệt, phần vì không muốn tiếp tục gây cản trở sinh hoạt thường ngày của người dân. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình khẳng định sẽ trở lại nếu cuộc đàm phán sắp tới không đi đến kết quả.
Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, lãnh đạo sinh viên Joshua Wong phát biểu: "Lượng người biểu tình giảm là chuyện hết sức bình thường. Chúng tôi không phải siêu nhân. Chúng tôi cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình sẽ không dừng lại cho đến khi nguyện vọng của chúng tôi được chính quyền đáp ứng."