Tờ Thanh niên Trung Quốc (TNTQ) hôm 11/11 bình luận, Trung Quốc sở hữu biệt danh "thỏ trắng" bởi luôn tuân thủ chính sách quốc phòng phòng ngự "vô hại".
Tuy nhiên, giới quan sát Mỹ không nhận định như vậy. Theo nhiều nhà nghiên cứu của Mỹ, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc liên tiếp tăng trưởng ở mức 2 con số.
Phương Tây đánh giá sự "không minh bạch" của Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) khiến nước này càng giống "một con rồng đầy đe dọa" hơn.
Theo TNTQ, từ những lý luận truyền thống về quan hệ quốc tế của phương Tây như "cái bẫy Thucydides", "thuyết hòa bình dân chủ"... học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" cũng được ra đời một cách tự nhiên.
Lý luận "cái bẫy Thucydides" là nhận định của sử gia Hy Lạp cổ Thucydides rằng các cường quốc mới nổi, như một hệ quả tất yếu, sẽ thách thức quốc gia bá quyền hiện hữu, cuối cùng dẫn đến chiến tranh để "chuyển dịch quyền lực".
Theo quan điểm này, sự trỗi dậy của Trung Quốc hay Nga đều mang theo mối nguy cơ tiềm ẩn đối với siêu cường số 1 hiện nay trên thế giới là Mỹ.
Tại hội nghị quốc tế "Đọc hiểu Trung Quốc" lần 2 hôm 1/11, Giám đốc Sở nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học quốc lập Singapore Trịnh Vĩnh Niên trả lời báo TNTQ: "Tôi cho rằng, lý luận của phương Tây không lý giải được Trung Quốc.
Lý luận khoa học xã hội của phương Tây được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của phương Tây chứ không phải của Trung Quốc."
Trung Quốc khẳng định "trỗi dậy hòa bình"
Hội nghị quốc tế nói trên được tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham gia của Phó tổng tham mưu trưởng PLA Ất Hiểu Quang nhằm mục đích cải thiện tình trạng "hiểu lầm" của giới chính khách, học giả phương Tây đối với sự phát triển về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng, Học viện khoa học quân sự Trung Quốc Trần Châu cho biết: "Muốn biết Trung Quốc có phải là mối đe dọa hay không, cần phải nhìn vào chính sách quốc phòng."
Trần Châu là Tổ trưởng Tổ chuyên gia soạn thảo sách trắng quốc phòng Trung Quốc. Tính đến năm nay, Bắc Kinh đã công bố 9 bộ sách trắng.
Ông Trần cho biết: "'Ranh giới đỏ' xuyên suốt 9 bản báo cáo quốc phòng là Trung Quốc nhất định sẽ không thay đổi chính sách quốc phòng phòng ngự, vĩnh viễn không bành trướng và xưng bá.
Trung Quốc sẽ bước một con đường phát triển hòa bình, khác hoàn toàn với những cường quốc trỗi dậy trong lịch sử."
Trần Châu nói với TNTQ: "Chiến lược truyền thống của phương Tây nhấn mạnh đối đầu, tin tưởng mạnh mẽ vào nguyên tắc 'cá lớn nuốt cá bé' theo học thuyết xã hội của Darwin.
Trong khi đó, chiến lược của Trung Quốc đề cao 'dĩ hòa vi quý' với tinh thần hạn chế chiến tranh, thận trọng với chiến tranh."
Chuyên gia Trung Quốc Trần Châu. Ảnh: Xinhua
Ông Trần này khẳng định "chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh rất minh bạch".
"Trung Quốc luôn tuân thủ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, chỉ tự vệ phòng ngự, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với quốc gia hoặc khu vực không có vũ khí hạt nhân.
Liệu có mấy nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc dám cam kết như Trung Quốc?" Trần Châu nói.
Báo TNTQ cho rằng, mức độ minh bạch của PLA ngày càng nâng cao. Theo học giả Trần Châu, sách trắng 1998 của Trung Quốc không tiết lộ tên cụ thể của 7 đại quân khu nước này.
Tuy nhiên, đến năm 2000, sách trắng bắt đầu có giới thiệu về Tổng bộ, các binh chủng và thể chế quân khu của PLA. Các năm sau đó, báo cáo này cũng tiết lộ cụ thể hơn, ví dụ số lượng máy bay chiến đấu biên chế cho các đơn vị...
Bất chấp sự khẳng định trong nhiều năm của Bắc Kinh về "độ minh bạch", phương Tây vẫn đặt nhiều nghi vấn về độ chính xác thông tin do Trung Quốc cung cấp và cho rằng nước này còn nhiều điều giấu giếm.
Vấn đề chi tiêu quốc phòng của nước này là một trong những trọng điểm mà những người theo "thuyết mối đe dọa Trung Quốc" nhằm vào để chỉ trích Bắc Kinh.
Năm 2014, dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 808.2 tỉ NDT. Con số này tăng 10% trong năm 2015.
Tuy nhiên, tờ này giải thích, việc quân phí của Trung Quốc gia tăng liên tiếp trong các năm vừa qua là bước đi "mang nặng tính bù đắp" cho những thời kỳ bị hạn chế trong quá khứ.
"Chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người, số quân nhân phục vụ bình quân của Trung Quốc vẫn thấp hơn mức trung bình của một số cường quốc trên thế giới hiện nay," học giả Trần Châu nói.
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên. Ảnh: Youth.cn
Trung Quốc muốn chuyển dịch quyền lực không cần đánh nhau?
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên viết trong bài "Trung Quốc cần hiện thực hóa trỗi dậy về quân sự thế nào": "Trách nhiệm quốc tế cũng tạo thêm điều kiện để Trung Quốc trỗi dậy hòa bình trong lĩnh vực quân sự.
Nếu Trung Quốc có thể đặt sự trỗi dậy về quân sự trong khuôn khổ trách nhiệm quốc tế thì các nước khác chắc chắn sẽ không cảm thấy bị đe dọa, thậm chí có thể thừa nhận sự đi lên tất yếu của họ."
Hiện nay, khoảng gần 3.000 quân nhân Trung Quốc đang tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại 9 khu vực.
Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ hôm 28/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ gia nhập cơ chế gìn giữ hòa bình mới của LHQ và xây dựng đội ngũ 8.000 binh sĩ sẵn sàng phục vụ.
Trung Quốc cũng tự tin "khoe" nhiều nhóm tàu chiến của mình đang tham gia hoạt động bảo vệ hàng hải cho thương thuyền quốc tế tại các khu vực như Vịnh Aden hay vùng biển Somali...
Ông Trịnh Vĩnh Niên cho rằng, nhờ đảm nhận "trách nhiệm quốc tế", Mỹ và Trung Quốc sẽ không bị rơi vào "cái bẫy Thucydides".
Nghiên cứu của các học giả Đại học Harvard, Mỹ cho thấy, trong 16 lần đối đầu giữa quốc gia thách thức mới và quốc gia bá quyền đã có 12 lần chiến tranh bùng nổ và 4 lần "chuyển dịch hòa bình" thành công.
"Dù sao cũng tồn tại 4 lần không xảy ra xung đột," - ông Trịnh nói - "Nếu Trung Quốc tư duy theo logic của người Mỹ thì chiến tranh là tất yếu.
Nhưng may mắn là Trung Quốc có quan niệm riêng về trật tự thế giới, nên sẽ không xảy ra đánh nhau. Nói về mặt triết học thì đơn giản là như vậy."
Ông nhận xét về "thuyết mối đe dọa Trung Quốc" rằng: "Cần phải để người khác nghi ngờ anh, thậm chí mắng mỏ anh cũng được. Nếu một ngày Trung Quốc trở thành mối đe dọa thật thì ngược lại, chính luận thuyết này sẽ biến mất."