Philippines rải “truyền đơn” về Biển Đông
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, những ngày qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã bắt đầu chiến dịch gửi thông điệp tuyên truyền về tranh chấp Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc và con đường giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế đến đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế tại Manila.
Trong thông điệp này, Philippines còn kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế ủng hộ quan điểm và cách giải quyết của họ.
Trước động thái mới của Philippines, Trung Quốc đã tổ chức họp báo để bày tỏ phản ứng không hài lòng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi chương trình tuyên truyền trực tiếp bằng tài liệu của Philippines là nhằm "đánh lừa dư luận quốc tế, gây sức ép đối với Bắc Kinh". Bà Hoa cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông ra trọng tài quốc tế, không đàm phán đa phương.
Bà Hoa còn cho rằng, lập trường của Trung Quốc có “cơ sở luật pháp quốc tế đầy đủ” (?!) và lên giọng nhắc nhở các nước khác “cẩn trọng trong phát ngôn và hành động về vấn đề trọng tài quốc tế”.
Nhật nên hành động trước khi quá muộn
Những phát ngôn và hành động của Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ gần đây không chỉ gây căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á mà còn khiến láng giềng giàu có của họ là Nhật Bản lo ngại.
Trong Sách Trắng quốc phòng vừa công bố hôm đầu tuần, Nhật đã tố cáo Trung Quốc âm mưu sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở các vùng biển tranh chấp. Trong bài bình luận đăng trên tạp chí The Diplomat, Harry Kazianis(Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS) cũng cảnh báo, trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh lên còn Nhật thì rơi vào suy thoái, vấn đề hiện trạng các vùng tranh chấp sẽ ngày càng tuột xa khỏi tầm tay các nhà làm chính sách xứ sở Mặt trời mọc.
Bài báo cũng nhận định nếu cứ phó thác vấn đề cho các thế hệ tương lai, Nhật Bản sẽ nhanh chóng rơi vào thế bị động, để Trung Quốc có cơ hội đơn phương giải quyết một số vấn đề tranh chấp bằng vũ lực.
Harry Kazianis cho rằng, Nhật nên nhìn cách Trung Quốc thay đổi hiện trạng của Philippines ở bãi cạn Scarborough như một ví dụ điển hình mà cảnh giác. Cũng như Nhật, Philippines là một đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng điều đó cũng không ngăn được Trung Quốc đổ quân đến Scarborough.
Tác giả nhận định, trong thời gian 2012-2013, Nhật còn có cơ sở để tự tin vào khả năng bảo vệ các hải đảo của mình trước sức mạnh của quân đội Trung Quốc. Nhưng niềm tin này đang ngày một mỏng đi, và chẳng mấy chốc sẽ trở thành hoang tưởng, nếu họ không hành động kịp thời.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!