Tàu hải giám Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.
Nhiều quốc gia và khu vực đều đang tham gia vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Bài viết cho hay, rất nhiều quan chức cấp cao Philippines đều nhận định rằng việc Mỹ tăng số lượng binh lính tại Philippines là nhằm thực hiện lời hứa ban đầu, đó là nếu biển Đông xảy ra xung đột, Mỹ sẽ đứng ra bảo vệ Philippines.
“Nhưng những quan chức này sẽ cảm thấy thất vọng, vì đối với vấn đề tranh chấp trên khu vực biển Đông, Mỹ xác định sẽ đứng ở vị trí trung lập, đồng thời ra sức kêu gọi các bên chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Bài viết chỉ ra rằng, chính phủ Mỹ đã quyết định tái cân bằng lại lực lượng quân sự từ Trung Đông tới châu Á. Nhiều nhà phân tích coi việc làm này của Mỹ không ngoài mục đích ngăn chặn “quyền lãnh đạo” khu vực châu Á của Trung Quốc.
Theo ông Lauro Baja Jr, cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc, Mỹ đang tăng cường sức ảnh hưởng quân sự tại châu Á nhưng lại không hề muốn làm “trọng tài” trong cuộc tranh chấp trên biển Đông. “Mỹ muốn duy trì sự ổn định của khu vực châu Á. Họ không muốn gây ra bất cứ ảnh hưởng bất lợi nào tới quan hệ chiến lược Trung- Mỹ, quan hệ chiến lược của hai bên quan trọng hơn nhiều so với yêu cầu (của một số quốc gia) liên quan tới chủ quyền tại các rặng san hô và bãi đá ngầm”.
Một vài nhà phân tích cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Albert F.Del Rosario gần đây đưa ra thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” đã làm ảnh hưởng rất xấu tới quan hệ hai nước Trung- Phi. Ông Albert F.Del Rosario từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc “nói một đằng làm một nẻo, thực hiện chính sách dọa nạt”.
Bài báo dẫn thông tin từ các nguồn tin cho biết, với việc quan chức Mỹ kiến nghị Bộ Ngoại giao và Tổng thống Philippines nên giảm bớt “luận điệu chống lại Trung Quốc”, nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng trong khu vực, “Trung Quốc cần cảm ơn Mỹ”.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!