Biển Đông: Gây căng thẳng, Trung Quốc tự đưa mình vào thế “thập diện mai phục”

Chí Quân (TH) |

(Soha.vn) - Quân đội Mỹ âm thầm chuẩn bị cho tình huống một cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, Đài Loan tập trận ảo đề phòng bị Trung Quốc tập kích, Philippines lên kế hoạch chống đánh úp ở Biển Đông…

Đài Loan chặn trước khả năng bị Trung Quốc tập kích

Ngày 15/7, quân đội Đài Loan đã bắt đầu cuộc diễn tập mô phỏng trên máy tính với bối cảnh giả định là một cuộc xâm lược của Trung Quốc Đại lục lên hòn đảo này trong năm 2017. Cuộc diễn tập quân sự “ảo” kéo dài 5 ngày này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận lớn nhất của Đài Loan trong năm nay có tên gọi "Hán Quang 29".

Trực thăng tấn công AH-1W trong một cuộc tập trận của Đài Loan
Trực thăng tấn công AH-1W trong một cuộc tập trận của Đài Loan

Theo giới phân tích, thời điểm giả định cho cuộc tấn công bất ngờ của Trung Quốc Đại lục vào năm 2017 là hợp lý xét theo sự phát triển quân sự liên tục của Trung Quốc Đại lục và những tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước và lãnh thổ láng giềng.

Ông Kevin Cheng, tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Đài Bắc, cho hay: "Trung Quốc Đại lục có thể đưa vào hoạt động đội tàu sân bay chiến đấu đầu tiên, các máy bay tàng hình và các tàu đổ bộ tấn công loại 081. Khả năng đổ bộ của Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể khi lực lượng của họ được trang bị các tàu đổ bộ tấn công vốn được thiết kế để chuyên chở phương tiện đi lại, các trực thăng tấn công và chống tàu ngầm". Các tàu này có thể được Trung Quốc Đại lục sử dụng để giải quyết các tranh chấp tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Mỹ chuẩn bị chiến tranh toàn diện nếu Biển Đông “có biến”

Trước đó, ngày 12/7, báo Globe and Mail đăng bài viết cho rằng, mặc dù quan hệ Mỹ - Trung đang được coi là ở trong một thời kỳ nồng ấm hiếm thấy với rất nhiều biểu hiện đồng thuận bên ngoài, nhưng thực chất, bên trong cả hai đều đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là một cuộc chiến tranh toàn diện.

Lầu Năm Góc đã xây dựng chiến lược toàn cầu trên nền tảng "tác chiến đồng thời trên biển-trên không" (ASB). Dựa vào chiến lược này, với 320.000 lính đang có mặt trong khu vực, nếu Biển Đông hoặc các vùng lân cận xuất hiện mối đe dọa, Mỹ có thể tiến hành tấn công trên bộ, trên không toàn diện đối với Trung Quốc.

Kế hoạch này chưa được Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ thông qua. Nó khiến một số tướng lĩnh và nhân vật cấp cao trong chính giới quân sự Mỹ lo ngại. Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ James Cartwright cảnh báo ASB sẽ "không có lợi cho bất kỳ ai".

Về phía Trung Quốc, phản ứng đáp trả rất mạnh mẽ. "Nếu Mỹ triển khai ASB để chống lại chúng tôi, quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ buộc phải phát triển chiến lược chống ASB".

Trên thực tế, Trung Quốc không dọa suông. Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng ra lệnh cho PLA ưu tiên mục tiêu "chiến đấu thực tế" và "chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh". Ông Tập Cận Bình đã sử dụng lại nhiều số tướng lĩnh và cố vấn quân sự nổi tiếng diều hâu, những người vốn chủ trương chuẩn bị đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Philippines cảnh giác nguy cơ Trung Quốc đánh úp

Theo các tài liệu mật của chính phủ Philippines mà hãng tin Kyodo được tiếp cận thì chính phủ đất nước Đông Nam Á đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ bị Trung Quốc đánh úp trên Biển Đông. Tài liệu này cho biết Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng tàu hải giám và cả tàu khu trục trong vùng lân cận Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tuần tra và hỗ trợ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Tàu hải giám Trung Quốc vẫn quanh quẩn gần khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tàu hải giám Trung Quốc vẫn quanh quẩn gần khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Chính vì các hành động phi pháp này của Trung Quốc mà Philippines phải chuẩn bị một kế hoạch đối với với tình huống bất ngờ, đề phòng trường hợp Trung Quốc có thể dùng vũ lực phong tỏa, tấn công chớp nhoáng trên Biển Đông.

Kế hoạch đối phó của Manila bao gồm việc nâng cấp khẩn các trang thiết bị quân sự, hải quân và không quân có thể tăng cường khả năng của quân đội Philippines trong vùng biển tranh chấp.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại