ASEAN tìm cách hạ nhiệt Biển Đông, Philippines tránh đối đầu
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong khu vực tuần này là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa 10 thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á với 8 đối tác đối thoại, trong đó có một loạt cường quốc khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 2 ngày ở Brunei, ASEAN đã có một loạt cuộc hội đàm song phương và đa phương. Một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận nhiều nhất tại hội nghị ADMM+ lần này chính là các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông hiện nay.
Trong những cuộc gặp đa phương cũng như song phương, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN đều bày tỏ mong muốn tháo gỡ tình hình căng thẳng trên Biển Đông – nơi đang chứng kiến những cuộc đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN vì tranh chấp biển đảo.
Giới chức quân sự ASEAN đã đề xuất một số biện pháp nhằm làm dịu tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể, ASEAN muốn thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đường dây nóng này sẽ được sử dụng để giải quyết những vụ va chạm hay tình huống khẩn cấp, không mong muốn, để từ đó tránh việc để tình hình leo thang từ những sự việc nhỏ thành xung đột vũ trang.
ASEAN cũng thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc về việc “không được dùng vũ lực trước” trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao chính của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vẫn là tập trung vào việc tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (CoC) – một bộ quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý nhằm quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nỗ lực này của ASEAN nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cường quốc, trong đó có Mỹ.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến Biển Đông, Philippines tuần này cũng thể hiện một lập trường dịu nhẹ khi lên tiếng tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tránh đối đầu trong tranh chấp Biển Đông,
Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines hồi giữa tuần khẳng định, quân đội Philippines sẽ không thay đổi chính sách tránh đối đầu dù cho họ có đang cấp tập mua sắm vũ khí và tìm kiếm một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ trong khu vực.
Tư lệnh Emmanuel Bautista cho biết, Philippines đang nỗ lực xây dựng một “năng lực phòng vệ ở mức tối tiểu” nhằm bảo vệ lãnh thổ của mình và “ít nhất là để ngăn chặn hay khiến bất kỳ kẻ xâm lược nào cũng phải ngần ngại hay nghĩ hai lần trước khi có bất kỳ hành động thù địch nào".
Trung Quốc làm căng
Trong khi ASEAN nỗ lực “hạ nhiệt” tình hình Biển Đông, tìm hướng giải quyết cho các cuộc tranh chấp, đồng thời Philippines dịu giọng, thì Trung Quốc vẫn làm căng.
Tại hội nghị ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thẳng thừng chỉ trích những người đồng cấp Đông Nam Á, nói rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ phương pháp tiến cận đa phương nào nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan đã bác bỏ vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông này nói rằng, những cuộc tranh chấp biển đảo không nên làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN bởi liên minh 10 nước thành viên này không có vai trò trực tiếp trong những mâu thuẫn đó.
"Các cuộc tranh chấp nên được giải quyết trực tiếp bởi các nước liên quan. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm quốc tế hóa hay làm phức tạp thêm tình hình”, Tướng Chang đã nói như vậy.
Rõ ràng, Trung Quốc vẫn duy trì một lập trường cứng rắn, khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Với tư cách là một nước lớn, Trung Quốc muốn trực tiếp đàm phán với từng nước nhỏ hơn để dễ bề áp chế, gây áp lực nhằm giành lợi thế cho mình.
Ngày hôm qua (30/8), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cảnh báo các nước ASEAN đừng giương “ngọn cờ ASEAN” ra trong vấn đề Biển Đông bởi điều đó có thể làm phương hại đến lợi ích chung của hai bên.
Những phát biểu trên của hai vị quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc đã phản ánh lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoài sự cứng rắn thể hiện ở hội nghị ASEAN, Trung Quốc còn vừa có hành động trả đũa Philippines vì sự thách thức của nước này trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đã phũ phàng khước từ một chuyến thăm của Tổng thống Philippines Aquino đến Nam Ninh để tham dự lễ khai mạc triển lãm chung ASEAN-Trung Quốc dù cho Philippines là “quốc gia danh dự” tại cuộc triển lãm năm nay.
Chưa hết, trong tuần này, tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, còn có bài viết chỉ trích gay gắt Philippines. Tờ báo này cáo buộc Manila đang “chơi trò hai mặt” ở Biển Đông. Một mặt, Philippines dùng chiến lược “mềm” bằng cách đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết tại tòa án quốc tế.
Mặt khác, Manila cũng theo đuổi một phương pháp tiến cập “cứng rắn” khi mở cửa cho lực lượng Mỹ và Nhật Bản vào nước này. Tân Hoa xã tuyên bố, chiến lược của Philippines chắc chắn sẽ thất bại.
Với những diễn biến trên, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông được cho là vẫn chưa thể dịu lại và khả năng tìm được biện pháp giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp này vẫn còn khá xa vời.