Dòng chữ phía trên nhân vật này ghi: "Tha thứ tất cả".
Hoạ sĩ Renald "Luz" Luzier, tác giả của bức vẽ, đã khóc trong cuộc họp báo công bố nội dung ấn bản mới nhất ngày 13/1. Ông Luzier cũng đã khóc khi vẽ bức tranh này, mặc dù nói rằng, bản thân mình không hề sợ hãi.
Vì ngủ quên nửa tiếng đồng hồ mà ông may mắn sống sót sau vụ thảm sát.
"Tôi ngồi trong góc tường, tôi gọi tất cả những tài năng đã ở đó, và không ở đó. Chúng tôi nói: "Chúng ta phải có một bức vẽ khiến mọi người cười"".
"Đúng là Muhammad... Tôi xin lỗi vì chúng tôi lại vẽ ông ta lần nữa. Nhưng Muhammad mà chúng tôi vẽ chỉ là một đứa trẻ đang khóc... Muhammad chỉ là nhân vật hoạt hình của tôi. Ông ta tồn tại chỉ khi tôi vẽ ông ta".
"Nó là trang bìa. Nó không phải là thứ mà cả thế giới, hoặc những kẻ khủng bố muốn chúng tôi làm, nó là của chúng tôi".
Hoạ sĩ Luzier cho rằng, vấn đề của những kẻ khủng bố là "đánh mất đi óc hài hước".
Luzier cũng là người đã vẽ bức biếm hoạ nhà tiên tri Muhammad 3 năm trước đây và khiến toà soạn báo này bị đánh bom.
Zineb El Rhazoui, một biên tập viên của tạp chí này, cho biết, việc công bố bức biếm hoạ nhà tiên tri Mohammad là một cách rất quan trọng để thể hiện rằng, tinh thần của các nhà báo Charlie Hebdo đã bị giết hại không bị dập tắt.
Theo Zineb, trang bìa đã "giúp mở ra cánh cửa của sự tha thứ" cho những kẻ khủng bố sát hại đồng nghiệp cô, đồng thời cho hay, họ không cảm thấy hận thù với những kẻ đó, bởi cho rằng nó là "cuộc đấu tranh với ý thức hệ".
"Tôi nghĩ rằng những người đã bị sát hại, nếu họ còn ở đây, thì hẳn là hôm nay họ sẽ ngồi uống cafe với những kẻ khủng bố và trò chuyện với chúng, hỏi rằng vì sao chúng làm vậy".
Trong khi đó, tổng biên tập Charlie Hebdo, ông Gerard Biard, đã miêu tả trang bìa này bằng từ "gây kinh ngạc". "Khi chúng tôi thấy nó, tất cả chúng tôi phá lên cười và ôm nhau".
Ông Biard chia sẻ, số lần này "được vẽ lên bằng cả niềm vui và nỗi buồn... Chúng tôi rất hạnh phúc vì đã làm nó, dù rằng rất chông gai".
"Câu chuyện chính, xuyên suốt, rất phức tạp, bởi, tất nhiên, nó phải nói được điều gì đó về chúng tôi, và về sự kiện mà chúng tôi vừa trải qua".
"Số lần này - toàn bộ Charlie Hebdo tham gia vào nó. Ấn bản lần này là Charlie Hebdo".
Ấn bản mới nhất đã dành 2 trang đầu tiên để in các bức vẽ của những hoạ sĩ đã bị sát hại trong vụ thảm sát.
Các thành viên tạp chí Charlie Hebdo làm việc tại trụ sở của báo Pháp Liberation.
Ông Biard tuyên bố Charlie Hebdo vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường. "Chúng tôi không biết chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Sẽ là một tờ báo. Sẽ không có sự gián đoạn nào cả. Nói cách khác, trong 2 tuần tới, sẽ có một tờ Charlie Hebdo khác"'.
"Trong một tuần qua, Charlie, một tờ báo vô thần, đã làm được nhiều điều kỳ diệu hơn tất cả các thánh thần và nhà tiên tri cộng lại... Điều mà chúng tôi tự hào nhất là bạn có trên tay tờ báo mà chúng tôi vẫn làm".
Số mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo chỉ có 8 trang, với 3 triệu bản được phát hành - mức kỉ lục so với 60.000 bản trước đó. Theo The Guardian, bản điện tử của tạp chí này được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ban biên tập Charlie Hebdo làm việc tại trụ sở của báo Pháp Liberation sau vụ thảm sát.