Bị xa lánh, Trung Quốc tự "ru" mình: Giờ là lúc chưa cần nhiều bạn

Như Ngọc |

(Soha.vn) - Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 20/7 đã đăng tải bài viết “phản pháo” lại một nghiên cứu về tỉ lệ được yêu mến của Trung Quốc, đồng thời đề cao sức mạnh của quốc gia này.

	Trung Quốc biểu dương lực lượng trong một cuộc duyệt binh (Ảnh minh họa).

Trung Quốc biểu dương lực lượng trong một cuộc duyệt binh (Ảnh minh họa).

Theo kết quả của nghiên cứu mới đây do Trung Tâm nghiên cứu Pew thực hiện, 63% người được hỏi có cảm tình với Mỹ, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ là 50%. Thậm chí chỉ có 5% người Nhật nhìn Trung Quốc với cái nhìn thiện cảm.

Nhiều người châu Á, bao gồm cả người Philippines cảm thấy bất an về sức mạnh quân sự đang ngày một gia tăng của Trung Quốc: "Gần như tất cả người Nhật Bản (96%), Hàn Quốc (91%) và đa số người Úc (71%), người Philippines (68%) nghĩ rằng việc Trung Quốc mở rộng khả năng quân sự gây ảnh hưởng xấu tới quốc gia của họ".

Ngay sau khi kết quả nghiên cứu này được công bố, thời báo Hoàn Cầu đã vội vã đăng một bài biện minh cho kết quả này rằng, có vẻ như trên thế giới, mặc dù mọi người nhìn nhận những triển vọng trong tương lai của Trung Quốc là tốt, nhưng tâm lý của họ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc lại khá phức tạp.

Tác giả bài viết này khẳng định, quan điểm tích cực về triển vọng của Trung Quốc là hợp lý, bởi với dân số gấp 4 lần của Mỹ, việc Trung Quốc vượt lên trên Mỹ về sức mạnh tổng thể quốc gia chỉ còn là vấn đề thời gian, và việc Trung Quốc ít được yêu mến trong quá trình này là bình thường.

Kết quả của cuộc khảo sát toàn cầu do tổ chức Pew Research Center công bố hôm 18/7 cho biết, năm 2013, 39% dân số của Philippines coi Trung Quốc là kẻ thù, 35% không cho rằng như vậy và chỉ có 22% cho rằng Trung Quốc là đối tác.

Theo tờ Philstar của Philippines, điều này xảy ra do những căng thẳng của hai nước trên biển Đông.

Hoàn Cầu tự tin khẳng định trật tự truyền thống trên thế giới đang thay đổi do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Người Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có chủ quyền bất khả xâm phạm (?!), và cần nỗ lực để thế giới có thể thích ứng với điều này nhanh chóng hơn thay vì mong đợi viển vông về những cái vỗ tay ủng hộ.

Mặc dù thừa nhận Trung Quốc vẫn còn kém hơn nhiều so với Mỹ không chỉ về GDP bình quân đầu người mà còn về tổng khối lượng - chất lượng kinh tế, sức hấp dẫn của Mỹ cũng sẽ còn vượt Trung Quốc về lâu dài, song bài báo cho rằng tỉ lệ yêu mến của thế giới dành cho người Trung Quốc chỉ thấp hơn dành cho Mỹ 13% đã là điều tốt ngoài mong đợi.

Tiếp tục luận điệu này, Thời báo Hoàn cầu cảnh báo rằng, ngày nay người ta vẫn thường nói về quyền lực mềm, điều này chắc chắn liên quan đến tỷ lệ được ủng hộ của một quốc gia, nhưng cũng không nên quên rằng quyền lực cứng vẫn là nền tảng của tổng thể sức mạnh quốc gia và là nguồn gốc của quyền lực mềm. Tác giả lạc quan rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục con đường xây dựng sức mạnh quốc gia và rằng đây chưa phải lúc Bắc Kinh cần có nhiều bạn.

Bài báo trấn an rằng đối với Trung Quốc, một cường quốc lớn đang tăng trưởng nhanh chóng, thì sự phát triển quan trọng hơn việc kết bạn. Mặc dù việc kết bạn cũng rất quan trọng, nhưng chừng nào Bắc Kinh còn phát triển không ngừng thì không cần phải tự ti và lo lắng thái quá.

Mặc dù vậy, Hoàn Cầu vẫn rêu rao rằng số lượng bạn bè của Trung Quốc trên toàn thế giới là không nhỏ, và quốc gia này gần như không có kẻ thù trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh vẫn có không gian cho sự tăng trưởng kinh tế - chính trị, và sự tăng trưởng đang mạnh hơn bất cứ trở ngại nào mà quốc gia này gặp phải. Trung Quốc vẫn vững chắc và chiếm một vị trí thuận lợi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu - yếu tố không thể đo được bằng số liệu như tỉ lệ được ủng hộ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại