“Một ngày dài như một năm”
“Từ năm 2007, tôi chưa một lần được về nhà. Họ không cho tôi ra ngoài. Làm ơn giúp đỡ tôi. Tôi muốn ra ngoài. Tôi muốn gặp gia đình. Ở đây, một ngày dài như một năm. Tôi không thể có được một giấc ngủ yên ban đêm. Làm ơn giúp tôi với!”.
Đó là lời cầu cứu của người phụ nữ liệt chân 48 tuổi tên là Trần Khánh Hà quê ở thành phố Yichun, tỉnh Hắc Long Giang khi được gặp phóng viên của Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR). Lúc đó là tháng 12/2012, Trần Khánh Hà đang bị giam trong một nhà xác bỏ hoang.
Sức khỏe quá yếu, cô Trần phải nằm trên giường trả lời phóng viên
Bi kịch ập đến với gia đình cô Trần vào năm 2007 khi cô quyết định lên thủ đô Bắc Kinh đâm đơn kiện đòi công lý cho chồng.
Năm 2003, anh Song Lisheng, người chồng đang mắc chứng rối loạn tâm lý hậu chấn thương của cô bị chính quyền địa phương bắt đưa vào trại cải tạo lao động vì đã phá vỡ rào chắn khu vực cách ly đại dịch SARS. Nhưng 2 tháng sau đó, Song Lisheng được trả về vì bệnh viện chẩn đoán anh mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Khi đón chồng về, cô Trần phát hiện thấy trên cơ thể anh rất có nhiều vết bầm tím. Bệnh thần kinh của anh Song cũng trở nên trầm trọng hơn.
“Tôi đã bị sốc khi nhìn thấy rất nhiều vết sẹo trên người anh ấy. Chính những thương tích này buộc tôi phải kiện lên chính quyền cấp cao hơn để đòi lại công lý cho chồng. Họ đã đánh anh ấy và tôi quyết định đi kiện”, cô Trần kể lại trên báo chí địa phương.
Lên thủ đô đòi công lý nhưng Trần Khánh Hà lại phải chuốc lấy số phận còn bi đát hơn cả chồng.
Theo Tân Hoa Xã, năm 2007 cô Trần cùng con trai lên Bắc Kinh để nộp đơn kiện về việc chồng cô đã bị ngược đãi. Cô cáo buộc chính quyền địa phương đã không xem xét tới tình trạng sức khỏe của Song Lisheng khi bắt giam anh.
“Năm 2007, từ Bắc Kinh, tôi bị chính quyền bắt về Hắc Long Giang. Họ giam tôi 10 ngày trước khi đưa tôi vào trại cải tạo 18 tháng. Ra trại năm 2010, tôi lại bị nhốt vào gian phòng này”.
“Gian phòng” mà cô Trần đề cập ở trên chính là ngôi nhà xác bỏ hoang của tỉnh Hắc Long Giang. Chính quyền quận Dailing, thành phố Yichun trừng phạt cô Trần ở đây vì “dám lên Bắc Kinh kiện họ”.
“Tôi cầu xin lòng thương xót”
Vụ việc của Trần Khánh Hà chỉ được đưa ra ánh sáng sau khi những tờ giấy cầu cứu tuyệt vọng dán trên cửa sổ nhà xác thu hút sự chú ý của người dân xung quanh. Họ đã phản ánh sự việc với báo chí.
Khi tới đây, phóng viên của CNR phát hiện thấy cánh cửa căn nhà mà cô Trần đang bị giam giữ được khóa chặt bằng dây xích, trên đó là những tờ giấy với dòng chữ “Tôi cầu xin lòng thương xót”. Còn Trần Khánh Hà đang ngồi trên xe lăn với đôi chân bị liệt, hậu quả của những trận đòn liên tiếp mà những người giam giữ cô gây ra.
Trên cánh cửa nhà xác nơi cô Trần bị giam giữ là những tờ giấy mang dòng chữ “Tôi cầu xin lòng thương xót"
“Lúc từ Bắc Kinh trở về, chân tôi vẫn bình thường. Khi vào trại giam, họ đánh tôi. Tôi không thể tự đi lại bằng đôi chân của mình nữa”, Trần Khánh Hà kể trên tời Bưu điện Hoa nam Buổi sáng.
Cô Trần đã bị các nhân viên vệ sinh canh giữ 24/24 giờ bằng camera giám sát, song sắt và thiết bị theo dõi gắn trên mỗi cánh cửa. Trần Khánh Hà chỉ được phép nói chuyện với người ngoài sau khi CNR đưa tin về hoàn cảnh thống khổ của cô. Trước đó, những người trong gia đình đến định đưa cô về đều bị đuổi đi với lý do “cấp trên không cho phép cô ra khỏi đây”.
Các nhân chứng nói với CNR rằng họ không thể giúp đỡ Trần Khánh Hà vì sợ chính quyền địa phương trả thù. “Bất cứ khi nào láng giếng hoặc bạn bè muốn giúp đỡ, họ đều bị công an đe dọa. Muốn giúp đỡ cô nhưng hầu hết mọi người đều lo sợ”, một nhân chứng cho biết.
Đi kiện, chân liệt, con mất tích
Trần Khánh Hà hiện đang phải ngồi xe lăn và sức khỏe đã giảm sút nghiêm trọng. Chồng cô đang được điều trị tại một bệnh viện thần kinh địa phương còn Song Jide, đứa con trai 17 tuổi của cô vẫn chưa biết ở đâu.
Năm 2007, lúc theo mẹ lên Bắc Kinh đi kiện, cậu bé Song Jide 12 tuổi đã bị lạc khi cô Trần bị cảnh sát địa phương bắt đưa về.
Trần Khánh Hà cáo buộc Yang Haifeng, cựu Trưởng phòng Khiếu kiện tố cáo quận Dailing là người đã khiến con cô mất tích.
“Chúng tôi đang ở trạm xe buýt. Tôi đang chuẩn bị lên, còn nó đã ở trên xe. Ông Yang tóm lấy tôi, không cho tôi đi nhưng xe buýt thì chạy mất rồi. Yang hứa sẽ tìm con cho tôi nhưng ông ta chưa bao giờ làm việc này”.
Thế nhưng, khi trả lời câu hỏi của CNR, Yang lại nói rằng lúc ông ta đưa Trần Khánh Hà về trại giam, chính cô đã bảo đứa bé chạy trốn. “Chẳng cách gì chúng tôi tìm được nó. Đó là lỗi của cô ta”.
Đi kiện chính quyền, cô Trần phải trả giá quá đắt: chân liệt, con trai mất tích
Tân Hoa Xã cho biết, ngày 8/2/2013 chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã thừa nhận có những “sai lầm” trong vụ việc của Trần Khánh Hà và cam kết sẽ bồi thường cho cô. 4 cán bộ, gồm 3 sỹ quan cảnh sát ở thành phố Yichun và Trưởng phòng khiếu kiện tố cáo quận Dailing, Yichun đương chức đã bị mất ghế.
Không thấy Tân Hoa Xã đề cập tới tên Yang Haifeng nhưng theo thông tin từ Thời báo Hoàn cầu, ông ta đã được thăng chức lên Phó chủ tịch Công đoàn lao động quận năm 2011. Trước đó, giai đoạn 2005 - 2007, Yang được phong tặng danh hiệu “công nhân kiểu mẫu cấp cao” của thành phố Yichun.