Từ 90 phút điện đàm giữa Obama và Putin về Ukraina
Chiều ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lập kỷ lục mới với cuộc điện đàm song phương dài nhất trong hai nhiệm kỳ. Cuộc trao đổi căng thẳng 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin không xoay chuyển được hành động điều quân của Nga vào bán đảo tự trị Crimea, Ukraina. Nhưng một ngày trong tương lai, nó sẽ có vị trí riêng trong lịch sử điện đàm phong phú của Tổng thống Mỹ.
Trong 3 tuần qua, Nhà Trắng đã 4 lần công bố tin ông Obama nói chuyện với người đồng cấp Nga, kéo theo hàng loạt các cú điện giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo cấp cao nước khác về căng thẳng ở Ukraina từ ngày 20/2. Theo Nhà Trắng, ngoài Tổng thống Putin, Obama còn gọi điện cho lãnh đạo của Đức (4 lần), Anh (3 lần), Pháp (2 lần), Trung Quốc, Canada, Estonia, Italy, Nhật Bản, Kazakhstan, Lithuania, Latvia, Cộng hòa Cyprus, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lạ và thú vị khi biết tổng thống của quốc gia số một thế giới vẫn dùng điện thoại cố định trong kỷ nguyên của thư điện tử, tin nhắn, Skype và các phương tiện chat video độ phân giải cao. Ai cũng biết Tổng thống Mỹ hay dùng iPad và thường cập nhật thông tin trên trang mạng xã hội Twitter. Thậm chí ông còn tham gia hỏi đáp qua mạng Reddit AMA để tiếp cận công dân Mỹ. Nhưng khi Yahoo News phỏng vấn, các phụ tá của Tổng thống đều nhất trí rằng, điện thoại cố định vẫn chiếm ưu thế khi Tổng thống Mỹ cần liên lạc với các nguyên thủ quốc gia khác.
Điện thoại cố định là phương tiện chủ yếu trong đối ngoại quốc tế, do nhiều quốc gia chưa theo kịp tiến bộ công nghệ hiện đại của các nước phát triển. Hơn nữa, âm thanh giọng nói của con người, đầy sắc thái biểu cảm và ý nghĩa, dù không qua phiên dịch viên, tỏ ra rất hiệu quả trong đàm phán, xây dựng quan hệ giữa các lục địa và các nền văn hóa khác nhau.
“Nói chuyện qua điện thoại tạo ra hiệu quả trực tiếp, tức thì. Điện thoại cố định tương đối dễ kết nối, bảo mật, đồng thời vẫn rất riêng tư. Và về cơ bản, ai cũng có một chiếc điện thoại”, một cựu nhân viên an ninh Mỹ phân tích.
Nghệ thuật điện đàm của Tổng thống Mỹ
Mỗi cú điện đàm của Tổng thống là sự kết hợp tinh tế giữa tiến bộ công nghệ với sự nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ năng đàm phán và tài năng nắm bắt tâm lý con người của chính khách. Khi Tổng thống Mỹ gọi điện, dù là cuộc trò chuyện nhỏ, họ không bao giờ phó mặc sự tình cho số phận. Về cơ bản, phương thức tiến hành điện đàm luôn giống nhau, dù một số thủ tục có thể thay đổi tùy thời tổng thống.
Trước khi Obama gọi điện cho một nhà lãnh đạo nước khác, ông sẽ nhận tập hồ sơ của Hội đồng An ninh Quốc gia - bao gồm bản mô tả chân dung tỉ mỉ của nhân vật mà ông muốn điện đàm do tình báo Mỹ thu thập. Các thông tin riêng tư nhất như tính cách, tình trạng sức khỏe, người thân, người yêu của đối phương đều hiện diện đầy đủ trong tập hồ sơ.
Theo một cựu quan chức từng phục vụ dưới nhiều thời Tổng thống, các cú điện của Tổng thống Mỹ được chuẩn bị kĩ lưỡng, nhưng không phải sắp đặt hoàn toàn. Tổng thống nhận những điểm quan trọng, chứ không phải kịch bản.
“Tổng thống thường tự tin vì họ là tổng thống, nên có thể nói và làm mọi điều họ muốn”, vị cựu quan chức nói.
Một số nguồn tin cho biết các cuộc điện đàm của Nhà Trắng không được ghi âm sau vụ bê bối Watergate của Richard Nixon. Nhưng Nhà Trắng sẽ công bố biên bản nội bộ không chính thức. Một phụ tá thời Bush mô tả: “Ba nhân viên an ninh quốc gia ngồi ở phòng bên cạnh Phòng Tình huống, nghe bản ghi âm và chép lại thật nhanh”. Nhưng không ai nói rõ vì sao họ có bản ghi âm. Tùy tính nhạy cảm của thông tin, biên bản sẽ tới tay những phụ tá cấp cao, hoặc chẳng tới tay ai.
Những bên chịu trách nhiệm liên lạc điện thoại cho Tổng thống bao gồm nhân viên Phòng Tình huống, quân đội, Bộ An ninh nội địa hoặc cơ quan tình báo. Cơ quan Truyền thông Nhà Trắng có nhiệm vụ thu xếp để Tổng thống Obama có thể gọi điện thoại khi ở ngoài. Một nhân viên an ninh cấp cao sẽ ở trong phòng cùng Tổng thống, nghe đường dây chuẩn bị kết nối, và đếm ngược khi đầu dây bên kia sẵn sàng. Khung cảnh rất giống tình huống trong nhiều phim Mỹ. Nhân viên đó nói: “Năm phút… hai phút… ông ta đang nhận điện... Xin chờ tiếp điện thoại của Tổng thống”.
Lịch sử điện thoại cố định trong Nhà Trắng
Nhà Trắng lắp máy điện thoại bàn từ năm 1877 với số máy là 1. Tổng thống Rutherford B. Hayes lần đầu tiên sử dụng công nghệ mới vào ngày 29/6/1877. “Chuyện này thật tuyệt. Làm ơn nói chậm hơn chút”, Hayes thốt lên giữa cuộc gọi.
Đến tháng 3/1929, Phòng Bầu dục mới lắp điện thoại. Từ đó, tầm quan trọng của chiếc điện thoại bàn trong quan hệ đối ngoại của Tổng thống Mỹ tăng lên. Nhưng “đường dây nóng” nổi tiếng kết nối trực tiếp giữa Lầu Năm Góc và điện Kremlin không phải là chiếc điện thoại màu đỏ như chúng ta thấy trên phim Hollywood. Ban đầu, “đường dây nóng” sử dụng máy điện báo, và giờ đây hai nước dùng thư điện tử được bảo mật.
Gần 137 năm sau nhiệm kỳ của Hayes, tổng thống Obama hiện nay gần như có thể gọi điện từ mọi nơi. Trang Flickr chính thức của Nhà Trắng cập nhật hình ảnh Obama nói chuyện điện thoại trong Phòng Bầu dục, thường tại chiếc bàn của Tổng thống. Khi không được sử dụng, chiếc điện thoại nằm trong ngăn kéo phía bên trái tổng thống.
Thỉnh thoảng, Obama cũng gọi điện khi ngồi trên tay vịn của ghế hoặc sofa. Theo một cựu nhân viên an ninh, Obama không thích loa ngoài, vì “nó làm giảm tính trực tiếp” của cuộc trò chuyện. Obama có thể dùng điện thoại gắn trong xe limousine bọc thép của tổng thống. Thỉnh thoảng, ông gọi điện từ chỗ làm việc trong Phòng Hiệp ước. Trên chuyên cơ Air Force One, ông cũng có thể gọi tới mọi chiếc điện thoại trên thế giới trong tình trạng khẩn cấp. Nhưng các phụ tá của Tổng thống cho biết tín hiệu của cuộc gọi trên máy bay không thực sự tốt. Khi Tổng thống di chuyển, ông sử dụng điện thoại bình thường chưa được bảo mật như điện thoại trong khách sạn. Tất nhiên, Tổng thống sẽ không đề cập đến nội dung quan trọng trong tình huống đó.
Công cụ họp trực tuyến hiện đại
Obama có thể chọn họp trực tuyến ở Phòng Tình huống, Phòng Roosevelt hoặc từ trại David ở tiểu bang Maryland. Hình thức liên lạc trực tuyến bảo mật có một số lợi thế so với kiểu gọi bằng máy bàn truyền thống. Thứ nhất, người tham gia có thể đọc được ngôn ngữ cơ thể. Thứ hai, họp trực tuyến thích hợp với cuộc họp xa để nhiều người có thể tham gia hơn. Nhưng không phải nhà lãnh đạo nước nào cũng có hệ thống liên lạc trực tuyến được bảo mật tốt để áp dụng vào thực tế. Vì vậy, điện thoại cố định vẫn là lựa chọn tối ưu.
Các cuộc gọi thú vị
Cuộc điện đàm nổi bật nhất của Obama có lẽ là cú điện cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 27/9/2013. Đó là cuộc đàm thoại trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 1979. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, Rouhani nói “chúc ông một ngày tốt lành” với Obama, còn Obama tạm biệt bằng từ “khodahafez” của tiếng Iran.
Không phải cuộc điện đàm ngoại giao nào cũng diễn ra suôn sẻ. Cú điện thoại của Tổng thống George W. Bush cho Thủ tướng John Howard của Australia là một ví dụ. Khi một phụ tá cấp cao của Mỹ nhấc điện thoại và nghe thấy tiếng nói, anh ta quát lên: “Anh không được dùng đường dây này! Ai đang nói đấy?”. Đối phương lịch sự đáp: “Tôi xin lỗi. Tôi là John”. Người Mỹ vặn hỏi: “John nào cơ?”. Và phía kia trả lời: “John Howard”.
Tổng thống Mỹ gọi điện vào những dịp đặc biệt, như ngày Quốc khánh, khi thảm họa thiên nhiên hoặc sự kiện đau buồn xảy ra. Ngày 5/12/2013, Obama đã gọi điện để chia buồn với Tổng thống Nam Phi Jacob Juma trước sự ra đi của Nelson Mandela. Tổng thống Mỹ điện đàm với các lãnh đạo trên thế giới để tìm ra giải pháp chung cho chính sách, hoặc để đưa ra yêu cầu, hoặc trao đổi về cứu trợ sau thảm họa thiên nhiên.
Đôi lúc, cuộc đàm thoại sẽ diễn ra “thẳng thắn và trực diện” - một cách gọi của các nhà ngoại giao đối với trường hợp tranh luận căng thẳng.
Thỉnh thoảng, một tổng thống gọi điện chỉ để “hỏi thăm thông thường”. Khi Tổng thống Bush biết ông có 20 phút rảnh rỗi, ông nảy ra ý định gọi điện cho Đạt Lai Lạt Ma, người đang nằm viện lúc đó. Tất nhiên, tổng thống sẽ gọi điện nhiều cho các mối quan hệ bạn bè riêng tư. Một phụ tá dưới thời Bush cho biết: “Thủ tướng Anh Tony Blair luôn tiếp điện thoại. Những người khác thì không phải lúc nào cũng nhấc máy”.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống, ông Bush thực hiện cuộc gọi trực tuyến vào thứ tư hàng tuần, thay phiên trao đổi với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Video giúp Tổng thống Mỹ nắm thêm về tình hình chính trị bằng cách điểm danh những người tham dự buổi họp. Do Iraq công bố nội dung cuộc gọi gần như ngay lập tức, phía Bush đã để Dana Perinom, phát ngôn viên của Nhà Trắng, tham dự để “cuộc đua công bằng hơn”.
Sự căng thẳng tương tự đôi khi cũng xuất hiện giữa các đồng minh. Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đưa ra biên bản khác nhau cho cuộc trao đổi vào ngày 22/10/2013. Nội dung chênh lệch tới mức người ta cho rằng hai vị tổng thống đã gọi hai cú điện thoại khác nhau. Đó cũng là một bài học quý cho các nhà lãnh đạo. Thiết bị hiện đại giúp họ kết nối với lãnh đạo nước khác cách nửa vòng trái đất, từ độ cao 3.000 m so với mặt biển, cũng có thể khiến họ bất đồng với nhau.