Bộ quốc phòng Trung Quốc cho hay, phó chủ tịch Quân ủy TƯ Trung Quốc Phạm Trường Long đã rời Bắc Kinh đi Mỹ, sau đó là Cuba theo lời mời của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba Leopoldo Cintra Frías.
Tháp tùng ông Phạm có phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Ngô Xương Đức và Tư lệnh quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển...
Trang Đa Chiều cho hay, Lầu Năm Góc đã thông qua trang Defense News tiết lộ một số thông tin về hành trình của Phạm Trường Long, trong đó có việc ông Phạm trao đổi với ông Carter về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, thông báo về chuyến công du của Phạm Trường Long chỉ được Bộ quốc phòng Trung Quốc đăng tải trong vài dòng ngắn ngủi, khiến truyền thông quốc tế quan tâm nhiều hơn đến chuyến thăm Cuba của ông này.
Kể từ cuối năm 2014, Washington và Havana đã tiến hành bình thường hóa quan hệ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới Nga - vốn đang đối đầu với Mỹ vì cuộc khủng hoảng Ukraine, mà Trung Quốc cũng hứng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Đa Chiều cho biết, ảnh hưởng lớn nhất có khả năng chính là kế hoạch cho tàu chiến Trung Quốc thường trú tại Cuba sẽ bị chủ tịch Raul Castro đình chỉ.
Trong vai trò đại diện quân đội Trung Quốc, việc Phạm Trường Long tới Cuba ngay sau khi sang Mỹ được cho là có liên quan mật thiết tới vấn đề trên.
Phạm Trường Long tới Mỹ và Cuba để thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng" của Bắc Kinh tại châu Mỹ-Latin?
Trước đó, hôm 2/6, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã tiết lộ thông tin chuyến thăm Mỹ của ông Phạm, nhưng Bộ quốc phòng Trung Quốc không hề xác nhận chi tiết cụ thể nào.
Mãi đến trước khi Phạm Trường Long khởi hành hôm mùng 8 thì bộ này mới tuyên bố ông Phạm đi Mỹ và Cuba, cho thấy Bắc Kinh đã "giữ kín việc phó chủ tịch Quân ủy đi Cuba đến phút cuối cùng".
Động thái này của Trung Quốc được Đa Chiều nhận định là khiến Washington không kịp trở tay trước những gì mà Phạm Trường Long có thể trao đổi tại Cuba.
Chuyến đi Cuba của ông Phạm trở nên bất ngờ chủ yếu cũng do truyền thông quốc tế tập trung sự chú ý vào các diễn biến trong "cuộc đấu" giữa ông này và Bộ trưởng Ashton Carter.
Mục đích lãnh đạo quân đội Trung Quốc tới Havana đã khẳng định tầm quan trọng chiến lược của Cuba đối với Bắc Kinh, nhất là sau khi nước này bình thường quá quan hệ với Mỹ.
Ông Phạm cần phải tranh thủ chuyến thăm lần này để ổn định quan hệ song phương, tái cân bằng thế đối trọng với Mỹ ở Caribbean.
Theo Đa Chiều, dù ở phương diện nào thì chuyến công du Cuba của Phạm Trường Long cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh hơn hẳn việc thăm Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và đồng minh cùng dư luận quốc tế "siết chặt vòng vây" với Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuba thân Mỹ, chiến lược của Trung Quốc phá sản?
Hồi tháng 12/2014, trước việc quốc tế hoan nghênh Mỹ-Cuba tuyên bố kết thúc giai đoạn đối đầu hơn nửa thế kỷ, mặc dù Trung Quốc ngoài mặt vẫn phải tỏ ra "chính nghĩa" và tôn trọng quyết định của 2 nước, song về chiến lược - theo Đa Chiều - Trung Quốc vô cùng lo ngại.
Việc Washington mạnh tay lôi kéo Havana khiến kế hoạch thường trú tàu chiến của Trung Quốc tại đây đứng trên bờ vực phá sản.
Theo Đa Chiều, từ cuối năm 2014 đã có những thông tin về việc Havana "bất ngờ rút lui khỏi hiệp nghị mà song phương sơ bộ nhất trí về việc cho phép tàu chiến của Hải quân Trung Quốc thường trú tại cảng khẩu Cuba".
Nguyên nhân của động thái này được cho là việc Havana muốn tỏ thái độ tích cực trong việc khôi phục quan hệ bang giao với Mỹ và đôi bên đã đạt được một số thỏa thuận trong các phiên đàm phán bí mật.
Trước đó, hồi năm 2012, Cuba chính là nước đã đề nghị Hải quân Trung Quốc đưa tàu chiến tới biển Caribbean để tổ chức tập trận chung và tham gia hoạt động cứu hộ trên biển...
Bắc Kinh - trên cơ sở muốn chế ngự Mỹ và mở rộng ảnh hưởng tại "sân sau" của Washington - đã chấp nhận những đề xuất của Cuba.
Tuy nhiên, Đa Chiều tiết lộ, từ đầu năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ủy quyền 2 trợ lý cấp cao tiến hành đàm phán "thử" với đại diện chính phủ Cuba và đạt được một loạt nhận thức chung, cho phép nâng cao cấp bậc đàm phán.
18 tháng sau đó, cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ-Cuba được tiến hành, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đưa tàu khu trục tên lửa hiện đại của Trung Quốc vào Caribbean.
Với mục tiêu rõ ràng là "bán anh em xa, mua láng giềng gần", Cuba đã không bỏ qua triển vọng nối lại quan hệ với Washington, và việc Havana "hy sinh" Bắc Kinh là điều không khó hiểu.
Kết quả cuộc gặp của Phạm Trường Long với lãnh đạo quân đội Cuba Leopoldo Cintra Frías sẽ cho thấy chiến lược lôi kéo các nước Mỹ-Latin của Bắc Kinh thành công đến đâu.
Đa Chiều đánh giá, việc Cuba "ngả vào tay Mỹ" khiến chiến lược "tái cân bằng" của Trung Quốc ở châu Mỹ-Latin và lợi ích của Bắc Kinh tại đây bị ảnh hưởng, thậm chí động thái do dự của Havana được cho là đã "phủ bóng đen" lên quan hệ Trung Quốc-Cuba.
Trong bối cảnh như vậy, kết quả cuộc gặp giữa ông Phạm Trường Long và ông Leopoldo Cintra Frías đối với Bắc Kinh mà nói "vô cùng quan trọng", đặc biệt là khi ông Tập Cận Bình rất coi trọng "cực" châu Mỹ-Latin trong bố cục chiến lược toàn cầu của nước này.
Về mặt ngoại giao, việc ông Phạm thăm Mỹ nằm trong đúng kế hoạch giao lưu cấp cao Trung-Mỹ trong 1,2 năm trở lại đây, đặt cơ sở cho Đối thoại kinh tế & chiến lược Trung-Mỹ cuối tháng 6 và chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước của ông Tập vào tháng 9.
Về mặt chiến lược, việc ông Phạm tới Cuba sau Mỹ chuyển tải tín hiệu rằng "cuộc đối đầu về lợi ích" giữa Bắc Kinh-Washington ở châu Mỹ-Latin vẫn đang tiếp tục và Bắc Kinh muốn tuyên bố rằng họ "đang nắm thế chủ động ở 'sân sau' của Mỹ".