“Chiến trường” mất vệ sinh
Khách sạn Beau-Rivage tại TP Lausanne - Thụy Sĩ, nơi diễn ra cuộc đàm phán, được xây dựng từ thế kỷ 19 và có giá phòng không hề rẻ: 500 USD/đêm/phòng.
Hàng trăm phóng viên chia nhau… 2 căn phòng - hầu hết phóng viên Iran “ngự” một phòng, còn phóng viên Mỹ, châu Âu và Israel chia nhau phòng còn lại – nên chả trách họ cảm thấy ngộp thở sau hơn 1 tuần “kề vai sát cánh”.
Căn phòng sang trọng sau khi “chịu đựng” cánh phóng viên trở nên bẩn thỉu và nhếch nhác. Bàn làm việc phủ đầy rác và nhoe nhoét vết cà phê.
Bao bì đựng đồ ăn vương vãi dưới sàn nhà, khiến bọn chuột chạy tứ tung ăn ké. Một số phóng viên phàn nàn về mùi hôi bốc ra từ người đồng nghiệp do không tắm rửa và chỉ chợp mắt được vài tiếng mỗi đêm do phải đợi tin.
Dù vậy, họ vẫn làm việc rất chuyên nghiệp và hợp tác. Dù theo nguyên tắc cạnh tranh nhưng các phóng viên đều hỗ trợ nhau.
Đặc biệt đáng chú ý là các nhà báo Iran đến từ chi nhánh Ba Tư của đài BBC (Anh) và đài phát thanh Farda – hai cơ quan vốn bị chính phủ Iran cấm hoạt động trong nước – vẫn được các phóng viên nhà nước Iran san sẻ lại các thông tin nóng hổi.
Kiên nhẫn lấy tin trước vòng phong tỏa của cảnh sát. Ảnh: Reuters
Chờ tin... Ảnh: Reuters
Khi quan chức các nước chuẩn bị bước vào phòng đàm phán , hàng trăm nhà báo lại tất bật chuẩn bị.
Do lực lượng an ninh không cho phóng viên tiếp xúc phỏng vấn với các đại biểu tham dự nên các tay máy quay và chụp hình đành lựa chỗ ghé ống kính vào các ô cửa hẹp, tranh thủ “chộp” một vị quan chức nào đó đang đi từ thang máy tới phòng họp.
Vào thời điểm các ngoại trưởng bắt đầu phát biểu, cánh phóng viên liền chạy vòng quanh hoặc gọi điện thoại cho đồng nghiệp. Sau lời phát biểu của một quan chức nào đó, các phóng viên dịch lại cho nhau bằng các thứ tiếng Farsi (Iran), tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Nga hoặc tiếng Anh để mọi người cùng hiểu.
Nói như Reuters, trong phòng phóng viên, tin đồn bay như bươm bướm, nhiều không khác gì cà phê đổ trên khăn trải bàn. Ai cũng “canh” các dòng tweet trên Twitter.
Tài khoản của một phóng viên Trung Đông rất được chú ý bởi người này gần như cập nhật trực tiếp từng diễn biến từ sáng tinh mơ đến đêm khuya, thậm chí có nhiều câu kiểu như: “Thành viên của đoàn chuyên gia Iran lên cầu thang”.
Thỉnh thoảng cũng có trò chơi khăm. Nổi tiếng nhất là dòng tweet nói Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên biết đã đạt được thỏa thuận sau 18 tháng đàm phán – được đăng vào ngày 1-4 (ngày nói dối).
Người dân Iran ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân sơ bộ. Ảnh: EPA
Đại biểu cũng khổ
Các phái đoàn thường thảo luận đến tận khuya, vào những ngày nước rút còn bàn thâu đêm. Khi được hỏi không khí phòng họp ra sau khi ngồi suốt từ ngày 1-4 sang 2-4, Ngoại trưởng Iran Zarif nói vỏn vẹn: “Buồn ngủ”.
Các quan chức cấp cao của Mỹ mô tả các cuộc đàm phán giống như chơi trò tàu lượn, hết lên lại xuống. Nhiều lúc tới cuối ngày đàm phán, họ tưởng đã thấy thỏa thuận ngay trước mắt, vậy mà trong thoáng chốc các bên lại bùng lên tranh cãi.
Một đại biểu cấp cao phàn nàn về cuộc đàm phán tưởng như không có hồi kết, làm ông hết sạch cả áo sơ mi để mặc.
Ông than phiền mỗi ngày mất tới 50 USD để khách sạn giặt sạch áo. Ông thậm chí còn không dám đi bơi trong hồ bơi của khách sạn vì sợ cánh nhà báo “dí xuống nước đòi thông tin”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Ngoại trưởng Anh Philip Hammond rảo bước trong khách sạn
trong lúc giải lao. Ảnh: AP
Một tấm ảnh lúc giải lao khác của ông Kerry. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chạy bộ buổi sáng. Ảnh: AP
Giới phóng viên còn dễ sợ hơn, họ tự giặt vớ, áo lẫn đồ lót trong bồn tắm khách sạn. Một quản lý khách sạn than thở là phóng viên chẳng nhả ra đồng nào cho các dịch vụ.
Nhiều nhà báo phương Tây liền hừ mũi bảo hóa đơn ngồi quầy bar trong khách sạn của họ chẳng hề thấp. Mỗi buổi tối, các phóng viên lui tới quầy bar, nơi họ xả hơi cùng các quan chức sau một ngày làm việc căng thẳng.
Giá một ly cocktail thấp nhất là 25 USD, còn một ly La Quintaesencia được ưa thích có giá 72 USD.
Bị cấm vào vườn khách sạn, các ê kíp truyền hình thường “đóng quân” ở lối đi ven hồ, chĩa ống kính tele nhằm chớp lấy hình ảnh của bất cứ vị quan chức nào dạo bộ trên sân thượng hoặc thư giãn trong khói thuốc lá.
Các nhiếp ảnh gia đều biết rõ nơi ở của các quan chức hàng đầu và để ý “săn ảnh”.
Một tay máy hào hứng chia sẻ khoảnh khắc ông chụp được “bức ảnh tuyệt vời” của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào buổi sáng sớm, khi ông mở rèm cửa trong thoáng chốc rồi khép lại ngay.
Đôi lúc, vị ngoại trưởng Mỹ mặc quần áo thể thao, đội mũ bảo hiểm và đạp xe dọc theo quanh hồ. Trong lần đi dạo đầu tiên, xe của ông Kerry hỏng xích và khi ông đi vào cửa hàng mua xích mới, người chủ đã không lấy tiền.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) cùng phái đoàn Mỹ theo dõi Tổng thống Barack Obama phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran qua máy tính bảng. Ảnh: Reuters