Với việc tuyển thêm 700 nhân viên công khai và 400 mật vụ trong vòng 5 năm tới, lực lượng hoạt động bí mật của Mỹ sẽ có 6.647 người.
Đây được coi là đợt tuyển quân lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua của đơn vị 150 tuổi này, đơn vị có nhiệm vụ chính là bảo vệ Tổng thống và gia đình, các quan chức cao cấp, đồng thời đấu tranh với tội phạm tài chính.
Lực lượng mật vụ Mỹ đang cố lấy lại hình ảnh sau cuộc khủng hoảng lãnh đạo và thay đổi văn hóa che đậy các sai lầm kể từ 12 năm trước khi tách ra khỏi Bộ Tài chính và gia nhập Bộ An ninh nội địa, nơi họ phải đấu tranh vì tiền bạc và vị trí.
Phát ngôn viên của cơ quan, Nicole Mainor cho biết: “Chiến dịch tuyển nhân viên này là kết quả của sự phát triển theo như đề xuất của một ủy ban thành lập vào năm ngoái sau khi một người đàn ông lạ nhảy qua hàng rào Nhà Trắng hồi tháng 9, chạy qua bãi cỏ vào đến khu dinh thự thì mới bị các mật vụ chặn lại”.
Dự thảo này được Hạ Viện Mỹ thông qua hồi tháng 7, theo đó cơ quan mật vụ được phép tuyển thêm ít nhất 200 nhân viên cảnh phục và 85 mật vụ đặc biệt.
Theo các nguồn tin từ cơ quan thi hành luật pháp, kế hoạch mở rộng lực lượng này trong vòng 5 năm có thể bắt đầu từ năm tài khóa mới, tính từ tháng 10/2015.
Cơ quan mật vụ Hoa Kỳ bắt đầu thực thi nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống từ năm 1901 sau khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống William McKinley.
Trong những năm gần đây, nhiệm vụ của lực lượng này còn bao gồm điều tra tội phạm công nghệ cao, các vụ lừa đảo thẻ tín dụng, tấn công mạng tài chính, các cơ sở viễn thông và ngân hàng.
Trong vòng một thập kỷ qua, quyền lực của cơ quan này ngày càng giảm sút, cũng như không đủ ngân sách để đáp ứng các nhu cầu phát triển.
Các nhân viên mặc đồng phục của cơ quan chủ yếu đóng quân ở Washington và chịu trách nhiệm về an ninh của Nhà Trắng và khu dinh thự của Phó Tổng thống.
Trong khi đó, các mật vụ, những người yêu cầu trình độ và quá trình đào tạo cao hơn, được chỉ định các nhiệm vụ điều tra tội phạm và bảo vệ Tổng thống trong các hoạt động công cộng.
Năng lực của mật vụ Mỹ đang "tuột dốc"
Gần đây, liên tiếp có những cáo buộc về việc hành xử không đúng mực của các nhân viên mật vụ hay các sơ sót an ninh, điển hình như vụ việc hôm 4/3 khi hai mật vụ cao cấp uống rượu say và lái xe đâm vào rào chắn Nhà Trắng, gần chạm vào một gói khả nghi được cho là một quả bom.
Giám đốc cơ quan này thậm chí một vài ngày sau mới biết đến vụ việc đó.
Cơ quan mật vụ Mỹ cũng bị chỉ trích vì những hành động quá lơ đãng, chủ quan của mình sau vụ việc người đàn ông cầm dao nhảy qua hàng rào của Nhà Trắng, hướng về dinh thự của Tổng thống Obama.
Đây là vụ việc bất cẩn nhất của mật vụ Mỹ kể từ khi ông Obama nhậm chức năm 2009.
Những vụ ciệc đó đã khiến cho cựu Giám đốc Julia Pierson phải từ chức sau một scandal hồi năm 2012 khi các mật vụ tham gia đường dây mua dâm và thác loạn tại một câu lạc bộ múa cột ở Cartagena, Colombia.
Trước đó, năm 2011, một người đàn ông đã nổ súng vào Nhà Trắng nhưng phải đến bốn ngày sau các mật vụ mới phát hiện ra.
Joseph Clancy, Giám đốc mới của Cơ quan mật vụ Mỹ, đã phải đối mặt với những áp lực từ phía Quốc hội phải thay đổi toàn diện.
Theo đạo luật cải tiến lực lượng mật vụ do Hạ Viện thông qua, các nhân viên của cơ quan này cần phải được đào tạo và huấn luyện khắt khe hơn.
Kế hoạch tuyển thêm nhân viên sẽ được tiến hành với nguồn ngân sách tăng 16% từ năm tài khóa 2016 lên mức 2,2 tỷ USD, đây là ngân quỹ lớn nhất của cơ quan này kể từ khi gia nhập Bộ An ninh nội địa.