Bắt chước IS, nhóm khủng bố Philippines chặt đầu con tin

Phương Đăng |

Nhóm khủng bố Abu Sayyaf bắt đầu nổi lên từ những năm 1990 ở miền Nam Philippines và mới đây, thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS).

Vụ chặt đầu công dân Malaysia gây phẫn nộ

Malaysia đầu tuần này giận dữ yêu cầu chính quyền Philippines phải trừng phạt nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã chặt đầu một công dân nước này.

Công dân Malaysia, Bernard Then, một kỹ sư 39 tuổi bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf chặt đầu trên đảo Jolo, miền Nam Philippines ngày 17.11, sau 6 tháng bị giam cầm.

Chân dung kỹ sư Bernard Then bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf chặt đầu. Ảnh: The Star.
Chân dung kỹ sư Bernard Then bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf chặt đầu. Ảnh: The Star.

Bernard Then là công dân Malaysia đầu tiên bị nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu và vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định thắt chặt an ninh sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến cả thế giới bàng hoàng ở Paris (Pháp) đêm 13.11.

Nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã bắt cóc kỹ sư Then cùng chủ nhà hàng hải sản Ocean King Thien Nyuk Fun, 50 tuổi để đòi tiền chuộc. Họ bị bắt cóc ngày 15.5.2015 tại thị trấn Sandakan, bang Sabah của Malaysia.


Các chiến binh khủng bố Abu Sayyaf ngồi nghỉ trong một khu rừng ở Philippines. Ảnh: Daily Mail

Các chiến binh khủng bố Abu Sayyaf ngồi nghỉ trong một khu rừng ở Philippines. Ảnh: Daily Mail

Ban đầu, Abu Sayyaf ra mức tiền chuộc là 5,58 triệu RM cho cả Nyuk Fun và Then (tương đương 29,7 tỷ đồng). Sau nhiều cuộc đàm phán, con tin Nyuk Fun được thả ngày 8.11 sau khi chấp nhận trả khoản tiền chuộc 3 triệu RM (16 tỷ đồng).

Trong khi đó, các cuộc đàm phán để trả tự do cho kỹ sư Then thất bại, khiến ông bị các chiến binh khủng bố mang ra chặt đầu tại một khu rừng rậm ở tỉnh Sulu chiều 17.11.

Ngay sau vụ hành quyết, Thủ tướng Malaysia Najib Razak giận dữ tuyên bố, người dân nước ông đang "bị sốc và vô cùng hoang mang" bởi tội ác man rợ nói trên.

Ông Najib Razak kêu gọi chính quyền Philippines phải có hành động quyết liệt chống lại kẻ  đằng sau "hành động dã man này”.

Nhóm khủng bố Abu Sayyaf – Chúng là ai?

Abu Sayyaf bắt đầu nổi lên như là một nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan vào đầu những năm 1990 từ một phong trào nổi dậy, bị cho là đã khiến 120.000 người thiệt mạng ở miền Nam Philippines kể từ những năm 1970.

Nhóm này ban đầu đặt căn cứ ở sâu trong các khu vực rừng rậm hoang vắng, ít người dám tới. Các chiến binh của Abu Sayyaf thường di chuyển và hoạt động bằng thuyền ở khắp miền Philippines, tìm kiếm “con mồi” để bắt làm con tin hòng đòi tiền chuộc.

Nhóm này cũng gây ra hàng loạt vụ bạo lực đẫm máu bao gồm đánh bom, ám sát, giết hại nhiều người.

Chúng không chỉ nhắm vào người dân địa phương mà còn khách du lịch phương Tây, các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa…

Nhóm khủng bố Abu Sayyaf nổi lên từ những năm 1990.
Nhóm khủng bố Abu Sayyaf nổi lên từ những năm 1990.

Abu Sayyaf tự tuyên bố là “cứu tinh” của cộng đồng Hồi giáo ở Mindanao (Philippines) khi tiến hành thánh chiến để đòi ly khai cho khu vực này.

Năm ngoái, giới lãnh đạo của nhóm này công khai thề trung thành với tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS).

Trong một video được đăng tải trên tài khoản Facebook ủng hộ Abu Sayyaf, các chiến binh tổ chức này tuyên bố "hết sức ủng hộ những người anh em IS của chúng ta".

Thậm chí, cuối năm ngoái, đáp trả việc Đức ủng hộ Mỹ chống lại IS, Abu Sayyaf đe dọa sẽ giết một trong hai con tin người Đức chúng đang giam giữ.

Mỹ và Liên Hợp Quốc liệt Abu Sayyaf vào danh sách các tổ chức khủng bố. Các nhà phân tích quân sự và an ninh Philippines cho biết, để tồn tại và duy trì hoạt động, nhóm khủng bố này chủ yếu tổ chức các vụ bắt cóc con tin để đòi những khoản tiền chuộc kếch xù.

Vì sao Abu Sayyaf chưa bị tiêu diệt?

Từ năm 2002 đến năm 2014, khoảng 500 cố vấn thuộc các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo và tổ chức đào tạo quân đội Philippines, dẫn đến việc tiêu diệt và bắt giữ nhiều thủ lĩnh của Abu Sayyaf.


Binh sĩ Philippines được triển khai tới đảo Jolo trong một chiến dịch truy quét các chiến binh Abu Sayyaf ngày 24.8.2002.

Binh sĩ Philippines được triển khai tới đảo Jolo trong một chiến dịch truy quét các chiến binh Abu Sayyaf ngày 24.8.2002.

Tuy nhiên, Mỹ bắt đầu giảm bớt sự hỗ trợ dành cho quân đội Philippines trong cuộc chiến chống lại Abu Sayyaf vào năm ngoái.

Các quan chức Mỹ thời điểm đó tuyên bố, động thái trên là do nhóm khủng bố trên đã suy yếu và không còn khả năng gây ra các cuộc tấn công quy mô lớn.

Trong khi đó, theo các quan chức quân đội Philippines, số lượng các tay súng của  Abu Sayyaf đã giảm mạnh từ khoảng 1.000 tên xuống còn 300 tên.

Các chiến binh Abu Sayyaf còn sót lại rút vào các khu rừng rậm ở đảo Basilan, Jolo và vẫn thường xuyên tổ chức các vụ bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Thậm chí, nhóm này còn kiếm tiền bằng cách buôn bán ma túy.

Các chiến binh Abu Sayyaf  đe dọa giết các con tin Canada và Na Uy nếu không nhận được tiền chuộc. Ảnh: Heavy.
Các chiến binh Abu Sayyaf  đe dọa giết các con tin Canada và Na Uy nếu không nhận được tiền chuộc. Ảnh: Heavy.

Kiếm được tiền, chúng không ngừng lôi kéo, chiêu mộ tân binh và thu mua vũ khí.

Do các chiến binh Abu Sayyaf ẩn náu trong những vùng “rừng thiêng nước độc” và thậm chí còn được nhiều cộng đồng Hồi giáo địa phương che chở nên các lực lượng an ninh Philippines vẫn chưa diệt được tận gốc nhóm này.

Abu Sayyaf ngày càng nguy hiểm

Các chính phủ và đại sứ quán phương Tây cũng như các quốc gia khác thường cảnh báo công dân nước họ đang sống và làm việc tại Philippines hoặc tới quốc gia này du lịch không nên tới phần lớn các khu vực phía Nam Philippines – nơi dân số chủ yếu là người Hồi giáo và là “căn cứ địa” của Abu Sayyaf để tránh bị nhóm khủng bố này bắt cóc.

Tuy nhiên, gần đây, Abu Sayyaf có dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động ra ngoài khu vực truyền thống của chúng.

Chẳng hạn nhóm này bắt cóc hai du khách người Canada và một chủ khu nghỉ mát người Na Uy ở những khu vực được xem là vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của chúng.

Các chiến binh đe dọa giết hai con tin Đức nếu Berlin không nộp tiền chuộc. Ảnh Barenakedislam.
Các chiến binh đe dọa giết hai con tin Đức nếu Berlin không nộp tiền chuộc. Ảnh Barenakedislam.

Tương tự, Abu Sayyaf bắt cóc công dân Malaysia, kỹ sư Bernard Then tại một nhà hàng bên bờ biển ở bang Sabah của Malaysia, cách Jolo – sào huyệt của nhóm này tới 300 km.

Những vụ bắt cóc táo tợn trên của Abu Sayyaf gần đây đã gia tăng quan ngại về tổ chức khủng bố này.

Trước đó, năm 2004, nhóm này đã đánh bom trên phà ở vịnh Manila, giết chết hơn 100 người. Đây được xem là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất từng xảy ra trong lịch sử Philippines.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại ngày càng tăng rằng, Abu Sayyaf có thể trở thành một tiền đồn của IS ở Đông Nam Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại