Sau cuộc giao lưu trực tiếp của Tổng thống Putin với người dân nước Nga ngày 17/4, tờ Moscow Times đã có bài phân tích của tác giả Ivan Nechepurenko về biểu hiện của nhà lãnh đạo Nga trong sự kiện này.
Trong bài viết, tác giả Nechepurenko đã giải thích lý do vì sao Tổng thống Putin tỏ ra mềm mỏng và kiềm chế khi nhắc tới châu Âu hay những lực lượng đối lập trong nước - hoàn toàn khác biệt với những năm trước.
Dưới đây là những nhận định của tác giả Ivan Nechepurenko trên tờ The Moscow Times:
Khác với những lời lẽ công khai chỉ trích gay gắt các quan điểm đối lập trong và nước ngoài như thường thấy, tại cuộc đối thoại với người dân được phát trực tiếp qua kênh truyền hình quốc gia cũng như trực tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giữ thái độ mềm mỏng để bày tỏ mối quan ngại về sự rạn nứt đang gia tăng trong quan hệ với phương Tây do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Tôi tin rằng mục đích của chúng ta hiện nay là phải tạo một châu Âu thống nhất từ Lisbon tới Vladivostok" ông Putin cho biết. "Nếu chúng ta chọn một hướng hành động khác biệt, nếu chúng ra phân chia châu Âu, các giá trị và dân tộc ở châu Âu, nếu chúng ta theo đuổi chính sách ly khai, thì chúng ta sẽ ở ngoài lề và sẽ không thể gây được bất kỳ ảnh hưởng nào tới sự phát triển của thế giới hay thậm chí là ngay của chúng ta."
Trong cuộc đối thoại trực tiếp với người dân năm nay, các câu trả lời của ông Putin phần lớn đều tránh chỉ trích phe đối lập trong nước, những người vẫn bị ông cáo cuộc là "tay sai" của phương Tây tại Nga, đang tìm cách phá hoại đất nước.
Trả lời tờ The Moscow Times, các nhà phê bình chính trị đều thống nhất quan điểm rằng trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm tăng lên, Putin đã tránh những phát ngôn quá mạnh, bởi ông hài lòng với vị thế hiện tại của mình.
“Mục đích chính của chương trình này là nhằm thể hiện rằng ông không phải là một người có quan điểm cực đoan”, giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông Moscow, Alexander Morozov, nhận định. “Putin đã gửi đi những tín hiệu hòa giải tới phương Tây và bất cứ độc giả có học thức nào cũng hiểu điều này.”
Giáo sư Nikolai Petrov thuộc trường Kinh tế học Moscow cho biết ông đã đoán được việc Putin sẽ nhắc tới những biện pháp cứng rắn trong các hoạt động chính trị trong nước. “Putin cảm thấy mình là người mạnh nhất và có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn. Đó là lý do tại sao ông ấy cảm thấy thoải mái ngay cả với những câu hỏi hóc búa, vì ông ấy biết có nhiều người ủng hộ mình ở nước Nga”, giáo sư Petrov phân tích.
Kết quả thăm dò ý kiến mới nhất của Trung tâm Levada được công bố vào ngày 16/4 cho thấy 71% người dân Nga tin tưởng Putin.
Trường quay buổi trả lời trực tiếp của Putin ngày 17/4
Trái ngược với lập trường về châu Âu, Tổng thống Nga đã sử dụng những từ ngữ cứng rắn hơn khi nói về Mỹ. Putin cho Washington phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc làm sứt mẻ các mối quan hệ giữa hai quốc gia, nhưng tổng thống Nga vẫn liên tục bác bỏ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ như đã làm trong suốt thời gian dài.
“Những gì đang xảy ra là Mỹ có thể hành động theo ý của họ như ở Nam Tư, Libya và Afghanistan, trong khi Nga bị cấm bảo vệ những lợi ích của mình”, Putin phàn nàn.
Cuộc đối thoại trực tiếp với người dân lần thứ 12 kể từ ông Putin lần đầu tiên nhậm chức tổng thống vào năm 2011 đã kéo dài 3 giờ 56 phút. Nó đánh dấu sự thay đổi hình ảnh của ông trong thời điểm một số người vô cùng lo lắng về việc quốc gia mình nằm dưới sự lãnh đạo của một người có quan điểm bảo thủ. Cuộc đối thoại cũng là cơ hội để ông Putin cho mọi người biết sự hiểu biết riêng của mình về các vấn đề quốc tế và vai trò của Nga trong đó.
“Chúng ta ít thực dụng hơn và không tằn tiện bằng những dân tộc khác”, Putin nói một cách đầy cảm xúc. “Chúng ta giữ vững tấm lòng của mình và dường như điều này được phản ánh bằng sự cao thượng của đất nước chúng ta cũng diện tích lãnh thổ rộng lớn của quốc gia".
Trong khi ở các cuộc đối thoại những năm trước, nhiều câu hỏi biến thành bài diễn thuyết cảm ơn Putin về những gì được miêu tả là những chiến thắng của ông gần đây, thì lần này, Tổng thống Nga cũng nhận được những câu hỏi chỉ trích sự thiếu khoan dung và tự do ngôn luận ở nước này.
“Chúng ta phải xây dựng các chính sách đối nội và đối ngoại dựa trên quan điểm của đa số, nhưng chúng ta không bao giờ được phép coi thường thiểu số và quan điểm của họ về những gì đang diễn ra trong nước và trên trường quốc tế”, Putin nhấn mạnh.
Trái ngược với những cuộc đối thoại trước đây, khi Putin khiến mọi người choáng ngợp bằng hàng chục những tín hiệu lạc quan về kinh tế, lần này, Putin dành rất ít thời gian để nói tới cho nền kinh tế vốn phát triển chậm chạp trong năm qua và có thể bị ảnh hưởng thêm nữa, nếu các lệnh trừng phạt được các nước phương Tây áp dụng để đáp trả lại động thái của Nga tại Ukraine.
Sau cuộc đối thoại, khi một nhóm các nhà báo vây quanh Putin trong sảnh lớn bên ngoài trường quay, ông đã trả lời một câu hỏi về nền kinh tế. Theo ông, chính phủ sẽ kiên định với chính sách tài chính bảo thủ, bất chấp những thu nhập phát sinh từ những sự biến động về tiền tệ gần đây.
Phần lớn trong số hơn 2,5 triệu câu hỏi được gửi qua điện thoại, trang web và tin nhắn đều quan tâm tới chính sách xã hội, nhà ở và cơ sở hạ tầng, song đa phần thời gian của cuộc đối thoại trực tiếp được dành cho những câu hỏi về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại miền đông Ukraine và việc Crimea sáp nhập vào Nga.
Tổng thống Putin lần đầu tiên thừa nhận rằng lính lạ xuất hiện ở Crimea vào đầu tháng 3 vừa qua là binh sĩ Nga. Putin khẳng định rằng Moscow có quyền lợi lịch sử để can thiệp vào các vấn đề của Ukaine, vì một phần lớn miền đông nam Ukraine mới được chuyển giao cho Kiev từ những năm 1920.
Tổng thống Nga trả lời các câu hỏi trong cuộc đối thoại trực tiếp với người dân từ một trường quay bên trong trung tâm thương mại Gostiny Dvor cũ gần Điện Kremlin, nay được sử dụng như một trung tâm triển lãm và hòa nhạc. Khán giả đặt câu hỏi trực tiếp ngay tại trường quay và như các địa điểm khác trên khắp đất nước, bao gồm vùng Viễn Đông, Sochi và Sevastopol ở Crimea hay thậm chí từ Berlin (Đức).
Ông Putin cũng đã phá lệ khi ông là người trực tiếp điều khiển chương trình thay vì bởi những người dẫn chương trình truyền hình như các năm trước đây.
“Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã sống theo các giá trị của mình và điều đó không bao giờ khiến chúng ta thất vọng. Chúng sẽ rất hữu ích cho chúng ta trong tương lai”, ông Putin nói trước khi cảm ơn khán giả đang vỗ tay và rời khỏi trường quay.
Mời độc giả xem thêm Video người dân Sevastopol tập trung tại một điểm cầu truyền hình của thành phố này trong buổi giao lưu trực tiếp của Putin: