Bảo kê buôn lậu, quân đội Trung Quốc bắt cả phái viên Thủ tướng

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Mỗi khi có nhân viên hải quan kiểm tra các công ty bị nghi vấn buôn lậu, luôn có một sĩ quan quân đội cấp cao xuất hiện để giải quyết.

Món lợi béo bở

Một trong những nguồn gốc chính của tệ nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc là hoạt động buôn lậu. Thời kỳ những năm 1990 là đỉnh cao của hoạt động này. Trong đó, một mặt hàng đặc biệt đem lại nhiều lợi nhuận là dầu thô.

Có ít nhất 6 công ty của quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ vào hoạt động này, do sự chênh lệch giữa giá thị trường quốc tế và giá trong nước. Như vào năm 1998, năm của cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á, giá quốc tế tụt xuống chỉ tương đương 900 nhân dân tệ/tấn, trong khi giá dầu thô tại Trung Quốc là 1.500 tệ/tấn. Cũng trong năm đó, ước tính kinh tế Trung Quốc thiệt hại 20 tỷ nhân dân tệ do hoạt động nhập lậu dầu thô.

Dầu thô chỉ là một trong hàng chục mặt hàng khác được ào ạt nhập lậu với số lượng lớn, từ nguyên liệu thô, sản phẩm công nghiệp nặng, cho đến sản phẩm tiêu dùng, thiết bị điện tử, xe máy v.v…và đã khiến ngân sách quốc gia thiệt hại nặng vì không thu được thuế. Một minh chứng là vào năm 1999, ngay sau khi chính phủ Trung Quốc mạnh tay ‘dẹp loạn’, thì thuế nhập khẩu đã tăng đến 41% lên 224,2 tỷ nhân dân tệ.

Bàn tay sắt của Chu Dung Cơ

Quy mô của những hoạt động buôn lậu này gây sốc cho cả Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong một hội nghị tổ chức ngày 17/07/1998 bàn về vấn đề này, Chu Dung Cơ đã lên án đích danh Tập đoàn Thiên Thành (Tiancheng), một công ty thuộc Tổng cục chính trị, Bộ tổng tham mưu. Trong đó ông đề cập một trường hợp cụ thể là lô hàng quặng sắt được công ty này nhập từ Úc về, nhưng không đóng số thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng trị giá 50 triệu nhân dân tệ.

 	Thủ tướng Chu Dung Cơ đã dùng

Thủ tướng Chu Dung Cơ đã dùng "bàn tay sắt" để dẹp nạn buôn lậu trong quân đội Trung Quốc

Mỗi khi có nhân viên hải quan kiểm tra, luôn có một sĩ quan quân đội cấp cao xuất hiện để giải quyết. Thậm chí một phái viên đặc biệt được Thủ tướng cử đi để điều tra công ty này đã bị phía quân đội bắt và tạm giam.

Vài ngày sau hội nghị đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân lên tiếng ủng hộ ông Chu Dung Cơ khi tuyên bố “có một số cá nhân và tổ chức trong quân đội Trung Quốc liên quan đến hoạt động buôn lậu”.

Cũng từ sau hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu mạnh tay xử lý vấn nạn buôn lậu trong quân đội. Tháng 8/1998, một nhóm buôn lậu do các sĩ quan cảnh sát vũ trang và công an Thẩm Quyến cầm đầu bị triệt phá. Trong số hơn 10 người bị bắt có một trung tá cảnh sát vũ trang và một trạm trưởng đồn biên phòng. Những người này được cho là đã cấu kết để tuồn vào 40 container hàng lậu trị giá 10 triệu nhân dân tệ.

Đã có ít nhất 23 sĩ quan từ cấp thiếu tướng trở lên, những người từng giữ vị trí quản lý tại các công ty thuộc quân đội, bỏ trốn ra nước ngoài. Bảy người trong số đó từ quân khu Quảng Châu, năm người từ Bộ Tổng tham mưu, bao gồm cựu tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thành. Ông này sau đó bị bắt lại và bị dẫn độ về Trung Quốc.

Chuyên án 4-20

Không chỉ thực hiện hoạt động buôn lậu thông qua các công ty của mình, quân đội Trung Quốc còn hỗ trợ đắc lực cho nhiều công ty tư nhân thực hiện hành vi tương tự. Mẻ lưới lớn nhất trong chiến dịch của Thủ tướng Chu Dung Cơ là vụ án tập đoàn Viễn Hoa của vua buôn lậu Lại Xương Tinh.

Nó còn được gọi là ‘Chuyên án 4-20’, do được bắt đầu vào ngày 20/04/1999. Hơn 300 điều tra viên đặc biệt được Chu Dung Cơ đưa từ Bắc Kinh đến tỉnh Phúc Kiến để điều tra vụ án này. Tổng cộng hơn 300 quan chức cấp cao của tỉnh Phúc Kiến, công an, quân đội bị bắt do có liên quan đến Lại Xương Tinh. Trong đó 14 người bị tuyên án tử hình.

 	Lại Xương Tinh trên trang bìa tạp chí ‘Time’ trong thời gian lẩn trốn 	tại Canada. Lại Xương Tinh bị dẫn độ về Trung Quốc năm 2011

Lại Xương Tinh trên trang bìa tạp chí ‘Time’ trong thời gian lẩn trốn
tại Canada. Lại Xương Tinh bị dẫn độ về Trung Quốc năm 2011

Lại Xương Tinh khởi đầu ‘sự nghiệp’ buôn lậu của mình bằng cách cấu kết với một công ty của quân đội để nhập lậu bộ vi xử lý máy tính qua Hồng Kông. Sau đó, Lại Xương Tinh chuyển địa bàn hoạt động của mình về thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.

Tổng hành dinh là toà nhà 7 tầng gọi là ‘Hồng Lâu’, do bên ngoài được sơn đỏ. Lại Xương Tinh biến nó thành một trung tâm ăn chơi trác táng, là nơi để các quan chức, sĩ quan cấp cao giải trí. Bên trong, nó có đầy đủ phòng karaoke, sàn nhảy, nhà hàng với đầu bếp riêng từ Hồng Kông, rạp phim mini, phòng xông hơi…và tất nhiên không thể thiếu các cô gái trẻ đẹp. Mọi chi phí đều do Viễn Hoa chi trả.

 	Toà nhà ‘Hồng Lâu’

Toà nhà ‘Hồng Lâu’

Thậm chí, trong Hồng Lâu còn trên một bức thư pháp mà Lại Xương Tinh khoe là của tướng Trì Hạo Điền, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc thời đó.

 
 	Nội thất, trang thiết bị bên trong ‘Hồng Lâu’ đều là hàng xa xỉ

Nội thất, trang thiết bị bên trong ‘Hồng Lâu’ đều là hàng xa xỉ

Bên cạnh đó, một chiến thuật khác được Lại Xương Tinh sử dụng là bổ nhiệm con cháu của các tướng lĩnh vào các vị trí cấp cao tại các công ty thành viên của Viễn Hoa. Nhờ những mối quan hệ như vậy mà trong một thời gian dài, Viễn Hoa đã nhập lậu đủ mọi mặt hàng lớn nhỏ, với giá trị lên đến hàng chục tỷ USD.

Trong đó một số đơn vị hải quân đã đặc biệt hỗ trợ đắc lực cho Viễn Hoa khi cung cấp tàu vận tải, bến bãi cho hoạt động buôn lậu. Một đơn vị nữa hỗ trợ tích cực cho Viễn Hoa là Cục tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu, đứng đầu là tướng Cơ Thắng Đức. Người này được cho là đã cung cấp các biển số quân đội để hợp pháp hoá số xe hơi nhập lậu. Tuy nhiên, Cơ Thắng Đức là sĩ quan quân đội cấp cao duy nhất bị xét xử trong vụ này, và bị xem là vật hy sinh cho những nhân vật ở cấp cao hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại