>>> "Người gác cửa" của Tập Cận Bình gây bất ngờ ở hàng ghế lãnh đạo
LTS: Hình ảnh Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn chạy theo bắt chuyện Chủ tịch Tập Cận Bình khi kết thúc lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khai mạc ngày 3/3 là chi tiết khiến truyền thông quốc tế rất quan tâm.
Đáng chú ý, Báo kỷ kiểm giám sát Trung Quốc do CCDI chủ quản hôm 1/3 có đăng tải bài xã luận "Ngàn lời khen hay không bằng một lời nói thật” (tạm dịch). Bài viết đã "gây bão" trong dư luận vì được diễn giải theo nhiều nghĩa.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông bình luận bài viết của CCDI "ngầm thể hiện mối quan hệ giữa hai ông Tập, Vương", bên cạnh chủ đề chính bàn về vấn đề "nói thật".
Đặc biệt, nội dung trong bài xã luận khiến dư luận quốc tế cho rằng nó có liên quan đến vụ tỉ phú bất động sản Nhậm Chí Cường bị Bắc Kinh "cấm vận trên truyền thông", sau khi ông Nhậm có những tuyên bố chỉ trích nhằm vào ông Tập trên mạng xã hội.
Thông tin này làm dấy lên nghi ngờ rằng CCDI, cơ quan thân cận nhất của Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng, bất ngờ có động thái "trái ý" nhà lãnh đạo hoặc thậm chí "bênh" Nhậm Chí Cường.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả nội dung bài xã luận của CCDI.---
Ông Vương Kỳ Sơn đuổi theo ông Tập Cận Bình khi kết thúc phiên khai mạc Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc 2016 ngày 3/3. (Ảnh: Báo thanh niên Trung Quốc)
Một số cán bộ lãnh đạo bị xử lý do vi phạm kỷ luật và pháp luật, hầu như đều đề cập đến đội ngũ giám sát nội bộ không đủ, nói rằng "không ai nhắc tôi". Nếu khi trước có người đứng ra khuyên can thì cũng không đến mức phạm vào sai lầm lớn như vậy.
Vấn đề nhỏ không được ai nhắc nhở, vấn đề lớn không có ai phê bình thì sẽ dung dưỡng thành cái sai lớn, chính là "ngàn lời nói hay không bằng một lời nói thật".
Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại
Hội sinh hoạt chuyên đề dân chủ của ban lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Bắc, Trung Quốc.
"Ngàn người khen hay, không bằng một người nói thẳng" - trích trong "Sử ký-Thương quân liệt truyện" - là lời can gián mà nhân sĩ thời Chiến Quốc Triệu Lương nói với Thừa tướng triều Tần Thương Ưởng.
Triệu Lương muốn về dưới trướng Thương Ưởng, đã nêu ra một điều kiện: "Chung nhật chính ngôn nhi vô tru", nghĩa là cả ngày nói thẳng nói thật mà không bị trả thù.
Triệu Lương còn dẫn ra hai ví dụ điển hình từ thời trước. Chu Vũ Vương không thiếu những hiền tài nói thẳng nên cuối cùng đã thành đại nghiệp; xung quanh Trụ Vương toàn là bè xu nịnh nên cuối cùng phải vong quốc vong mạng.
Thương Ưởng vui vẻ chấp nhận điều kiện của Triệu, đồng thời còn nhấn mạnh thêm đạo lý: "Mạo ngôn hoa dã, chí ngôn thật dã, khổ ngôn dược dã, cam ngôn tật dã" (dịch nghĩa: Lời đưa đẩy là hoa, lời chính đáng là quả, lời cay đắng là thuốc, lời ngọt xớt là bệnh).
Tuy nhiên, hậu thế lý giải thấu triệt nhất đối với quan niệm này, chính là Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Ngụy Trưng. Quan hệ giữa Lý Thế Dân và Ngụy Trưng được so sánh với mối quan hệ Tề Hoàn Công-Quản Trọng.
Ngụy Trưng trong quá khứ là quan tẩy mã (chức quan dạy thái tử chính sự, khoa học tự nhiên và xã hội-PV) của Ẩn thái tử Lý Kiến Thành, từng khuyên Kiến Thành sớm ngày ra tay trừ khử Lý Thế Dân.
Là nhân vật "hạ cánh an toàn" sau sự biến Huyền Vũ Môn đẫm máu, thậm chí được trọng dụng trong hệ thống cầm quyền của kẻ thù cũ-quân vương mới (Lý Thế Dân), Ngụy Trưng đáng lý nên "cảm động rơi nước mắt".
Nhưng Ngụy Trưng luôn khiến người khác không vừa mắt, nhiều lần "xúc phạm long nhan", nghịch thánh ý, còn gửi tấu chương "Thập tư sơ" can gián Thái Tông 10 điều, điều nào cũng đụng chạm đến thể diện nhà vua, không biết thân phận của mình.
Thân là gián quan, các vấn đề lớn nêu ý kiến cũng không sao, nhưng Ngụy Trưng còn lớn nhỏ bất phân.
Lý Thế Dân muốn đem nam đinh trên 18 tuổi nạp vào quân đội, Ngụy Trưng thà chết cũng không chịu ký, lại tranh cãi kịch liệt trước văn võ bá quan, nói là "nạo ao bắt cá, sang năm hết cá; đốt rừng đi săn, năm sau hết thú", buộc Thái Tông thu hồi thánh lệnh.
Việc triều chính "thôi cũng cho qua", song đến những chuyện gia đình triều thần không ai hỏi tới như vua gả con gái cho bao nhiêu của hồi môn, ban phát long ân đến hoàng tử nào... Ngụy Trưng cũng phải "nhúng tay".
Ông nhiều lần phê phán Lý Thế Dân "không hợp lễ nghi", khiến Thái Tông đỏ mặt tía tai cũng không biết làm sao.
Không kể đến văn trị võ công, xét ở khía canh "bao dung", trong số đế vương Trung Quốc từ thời Tần Thủy Hoàng cũng không tìm ra được ông vua nào "sánh ngang" với Đường Thái Tông.
Ngay cả như thế, Ngụy Trưng cũng không tha, cả ngày bám lấy vua để... nhắc nhở phải nghe lời can gián: Lời hay ngài phải nghe, lời không hay cũng phải nghe, trình độ cao phải nghe mà trình độ thấp cũng phải nghe, nếu không đại thần còn ai dám lên tiếng?
Có lần Ngụy Trưng thẳng thừng chỉ trích Lý Thế Dân: "Thái độ tiếp thu của ngài hiện giờ không bằng năm xưa nữa.
Những năm đầu Trinh Quán ngài cầu lời ngay thẳng như khát nước, chỉ sợ mọi người không nói; về sau ngài vui vẻ thì nghe lời khuyên can; ngày nay thì ngài vẫn nghe can gián, nhưng thường tỏ vẻ không vui, đám thần tử đều trông thấy cả."
Bên cạnh có một quần thần như Ngụy Trưng, nếu là quân vương thông thường thì sợ là đến hứng thú thượng triều cũng không có.
Đường Thái Tông cũng không phải là chưa từng nổi giận. Một lần lui về nghỉ ngơi ở cung của Trưởng Tôn Hoàng hậu, Lý Thế Dân bức xúc đòi "xử tên nhà quê" (tức Ngụy Trưng).
Cũng may Hoàng hậu hiểu chuyện, quỳ trước mặt vua chúc mừng ông có được một vị trung thần, cũng là biểu tượng của bậc thánh quân. Thái Tông nghe vậy mới nguôi giận.
Ngụy Trưng qua đời, Lý Thế Dân tự mình bái tế và lưu lại đoạn "Tam kính luận" được truyền đến ngày nay.
"Lấy đồng làm gương có thể chỉnh y phục; lấy (lịch) sử làm gương có thể biết hưng vong; lấy người làm gương có thể biết được mất. Ngụy Trưng chính là tấm gương thứ ba."
Năm Trinh Quán thứ 18, Đường Thái Tông tấn công Cao Ly thất bại, cảm khái "nếu Ngụy Trưng còn thì ta đã không sai lầm như vậy".
Văn hóa Trung Quốc chú trọng khiêm nhường, biết tự mình kiểm điểm, học tập người khác, biết tiếp nhận phê bình, từ đó mà tu thân, không ngừng tiến bộ.
Khổng Tử chủ trương "trong ba người tất có một là thầy ta"; căm ghét thói rào trước đón sau, đạo đức giả; tôn kính những bậc nhân sĩ phóng khoáng như "Sở cuồng" Tiếp Dư...
Quan hệ xã hội lý tưởng trong mắt ông là quân tử "hòa hảo mà không ngại bất đồng quan điểm", "chí công vô tư", chứ không phải mối quan hệ tiểu nhân "bằng mặt không bằng lòng", "kéo bè kết đảng".
Bước vào lĩnh vực chính trị, quan hệ quân thần lý tưởng là "vua đối với tôi bằng lễ, tôi đối với vua bằng trung".
Sự tự do ngôn luận, tiếp thu ý kiến sẽ quyết định sự hưng vong của một triều đại. Trong "Chiến quốc sách" có câu chuyện "Trâu Kỵ khéo khuyên Tề Vương", còn ví dụ qua các triều đại thì nhiều không kể hết.
Chu Lệ Vương không nghe Thiệu Công can gián, cai trị hà khắc khiến dân chúng oán hận, vùng lên lật đổ.
Thời Tần Nhị Thế, hoạn quan Triệu Cao lộng quyền đứng giữa triều đình mà "chỉ hươu nói ngựa", quần thần trong triều đa số cúi đầu vâng dạ, chỉ có số ít đứng ra nói thẳng thì bị thanh trừng. Quanh Nhị Thế không còn trung thần.
Trong trận Quan Độ thời Đông Hán, Viên Thiệu không nghe lời can của Điền Phong, Thư Thụ, trong khi Tào Tháo quảng nạp hiền tài, khiêm nhường cầu học, nên ngay cả mưu sĩ dưới trướng Thiệu là Hứa Du cũng đầu quân cho Tào, cuối cùng đánh thắng Viên Thiệu thống nhất miền Bắc Trung Quốc.
Cũng là Tào Tháo, trong trận Xích Bích sau đó đã một mực làm theo ý mình, sau khi thua chạy tới đường Hoa Dung mới khóc than rằng Quách Gia mất sớm, bên cạnh không còn người khuyên ngăn.
Nhà thơ Vương Sán - một trong "Kiến An thất tử" thời Đông Hán, trong bài "Phỏng liên châu" đã chỉ ra "thường dùng gương sáng soi mình thì bụi bặm không bám trên thân, biết nghe lời ngay thẳng thì những hành động sai lầm không làm hại đến thân".
"Tam kính luận" của Lý Thế Dân cũng lấy ý từ đây mà ra.
Không sợ có người nói sai, chỉ sợ người muốn nói mà không nói. Phàm những người thành đại nghiệp, đa số đều hết mực khiêm tốn, sẵn sàng lắng nghe ý kiến bất đồng từ người khác.
Ở nơi nho sĩ triều Minh Vương Âm Minh làm quan, khi đi tuần ông ta cho nha dịch treo bảng không phải là "yên lặng", "tránh đường" mà là "muốn biết dân tình", "muốn nghe chuyện qua đường", trở thành giai thoại một thời.
Có người nước ngoài nhận định, đảng Cộng sản Trung Quốc có tầng lớp lãnh đạo ổn định cũng nhờ vào cơ sở lớn ở quần chúng, có đặc điểm "hướng đến dân chủ", tức thông qua trao đổi trên dưới, mọi người bình đẳng tham dự hoạt động tổ chức, thảo luận đạt nhận thức chung, từ đó hành động tập thể.
Xét từ khía cạnh lịch sử, ĐCSTQ từ trước đến nay luôn phản đối triết học dung tục theo kiểu "sau lưng ai không có kẻ nói xấu, có ai không nói xấu sau lưng người khác", mà chủ trương "có lời thì bước lên bục nói chuyện", phê bình chính diện để đạt được sự đoàn kết thực.
Bất kể là trong hay ngoài đảng đều nên tận khả năng lắng nghe ý kiến, hiểu biết tình hình thực tế, bảo đảm tính khoa học và đúng đắn khi đưa ra quyết sách.
Thái độ cơ bản của ĐCSTQ đối với việc phê bình là "dùng việc luận việc, nhìn việc không nhìn người, cầu thị, phân rõ đúng sai; kỵ nhất là xuất phát từ được mất, lợi hại, thân sơ để dùng người, đưa ý kiến và mâu thuẫn vào công việc..."
Thời kỳ ở Diên An, thân sĩ Lý Đỉnh Minh đề ra sáng kiến "tinh binh giản chính" (tinh giản biên chế, thu nhỏ cơ cấu), nhiều người đã nghi ngờ động cơ của ông.
Nhưng Mao Trạch Đông xuất phát từ lợi ích nhân dân và tình hình thực tế, đã gọi biện pháp của ông Lý là "liều thuốc thay đổi chủ nghĩa cơ quan, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hình thức" và đứng đầu cuộc thảo luận dân chủ, thông qua chính sách tinh giản.
Việc này sau đó phát huy vai trò lớn khi giúp khu vực Thiểm Cam Ninh và căn cứ chống Nhật vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác.
Đêm trước khi cách mạng thắng lợi năm 1949, Mao Trạch Đông nhắc đến 12 phương pháp công tác của đảng ủy, nhấn mạnh Bí thư đảng ủy phải làm tốt vai trò "trưởng nhóm", đưa vấn đề công khai, chú ý đoàn kết những người có ý kiến khác với bản thân trong công tác.
Tư tưởng này tuy cũ mà mới, thể hiện phẩm chất khoáng đạt của đảng viên Cộng sản.