Bắc Kinh "đáp lễ" Nhật Bản bằng 1 cuộc chạy đua vũ trang?

Hải Võ |

Việc dự luật an ninh của Nhật Bản được Quốc hội nước này chính thức thông qua trở thành luật được xem là động thái ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc.

Shinzo Abe - "Người phục hưng nền quân sự Nhật Bản"?

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) gọi đây là bước đi thành công trong sách lược sử dụng một đạo luật riêng biệt để "đi vòng qua" điều 9 Hiến pháp Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe.

Luật an ninh mới "về cơ bản sẽ đưa Nhật Bản thoát khỏi khuôn khổ Hiến pháp hòa bình", Hoàn Cầu bình luận.

Đạo luật này cũng cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản giống với một quân đội chính quy hơn, bởi lực lượng này bên cạnh việc có thể "phản ứng tự vệ" khi bị tấn công còn được quyền "động binh" trong một số trường hợp cụ thể dù nước này không bị tấn công.

Hoàn Cầu bình luận, Tokyo lúc này đã tiến một bước rất xa và ngày càng gần với mục tiêu trở thành "quốc gia bình thường", tức sở hữu quyền độc lập tuyên chiến. Nội các của Thủ tướng Abe do đó cũng đứng trước một bước ngoặt lịch sử.

Shinzo Abe từng gọi việc thúc đẩy thông qua Luật an ninh là "dấu mốc" trong sự nghiệp chính trị của ông. Sự thành công của đạo luật lần đầu tiên giúp Tokyo "lấp đầy khoảng trống quyền lợi" mà họ chưa từng biết đến kể từ sau năm 1945.

Theo Hoàn Cầu, nếu trong tương lai Nhật Bản trở lại là một cường quốc quân sự thì ông Abe có thể được xem là "người phục hưng nền quân sự" của nước này.

TT nghiên cứu Nhật Bản ĐH Giao thông TQ
Vương Thiếu Phổ
Trên thực tế, Luật an ninh mới của Nhật Bản không làm gia tăng rủi ro bị cuốn vào chiến tranh của họ, mà là giúp nước này mở cánh cửa cùng Washington tạo dựng ảnh hưởng lên tình hình an ninh Đông Á. Trước đây, Nhật Bản đóng vai trò hỗ trợ hậu cần cho Mỹ khi chuẩn bị chiến tranh, còn hiện nay Tokyo trở thành đối tác quan trọng, thậm chí đã bước tới "ranh giới đầu tiên" ảnh hưởng đến tình hình ổn định châu Á-Thái Bình Dương. Việc thông qua Luật an ninh không chỉ là động thái chiến thuật mà còn là một thay đổi trọng đại đối với cục diện chiến lược khu vực. Đối với thay đổi lớn này, Trung Quốc và các nước khác đều phải chuẩn bị sẵn sàng.

Trung Quốc đáp lại bằng cách trở nên mạnh hơn?

Thời báo Hoàn Cầu khẳng định, bối cảnh Nội các Nhật thúc đẩy Luật an ninh mới chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ-Nhật lo lắng và khiến liên minh quân này hợp tác chặt chẽ hơn.

Hoàn Cầu chỉ ra, các điều khoản trong Luật an ninh của Nhật tương đối "ăn khớp" với Phương châm hợp tác quốc phòng mới của Mỹ và Nhật Bản.

Trong đó, "lưỡi kiếm" của Tokyo và Washington cùng nhằm vào Bắc kinh, với mục tiêu "gia tăng sức kiềm chế của liên minh Mỹ-Nhật đối với Trung Quốc".

Trước nhiều quan điểm cho rằng quân đội Trung Quốc phải đối diện với sức ép lớn từ Nhật Bản, Hoàn cầu tuyên bố Nhật "chưa đủ sức mạnh để thay đổi cục diện thời đại" và "Luật an ninh mới cũng 'đừng mơ' trở thành 'sợi xích' tấn công được Trung Quốc".

Hoàn Cầu đe dọa, "Trung Quốc nhận định Tokyo cố ý khiêu khích Trung Quốc về quân sự, điều này không tốt đối với chính Nhật Bản.

Trung Quốc không có khả năng gây ảnh hưởng tới lựa chọn của Tokyo, điều chúng ta có thể làm là trở nên mạnh mẽ hơn về quân sự để vượt qua những thách thức từ Nhật Bản".

Tờ này tuyên bố, đối với ý đồ sử dụng sức mạnh và gia tăng lực lượng để áp chế Trung Quốc, Bắc Kinh "không cần nói gì, chỉ cần hành động".

Hoàn Cầu cũng đặt giả thuyết Trung Quốc đáp trả bằng cách thiết lập một "đạo luật an ninh trên biển", qua đó giảm thiểu khả năng sử dụng vũ lực của Hải quân, sau đó Bắc Kinh có thể... "bắt tay với Mỹ, 'khai chiến' với quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông".

Phía Trung Quốc "đẩy trách nhiệm" cho Tokyo bằng tuyên bố Nhật Bản "có nghĩa vụ giải thích những lo ngại của dư luận về khả năng gia tăng 'nguy cơ xung đột quân sự' giữa quân đội Trung-Nhật".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại