​Bà Merkel thành người hùng trong khủng hoảng tị nạn

Nguyệt Phương |

Chỉ trong hai tháng, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ bị chỉ trích là “nhà độc tài” trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã trở thành “người anh hùng” của dòng người tị nạn đang đổ vào lục địa già.

Mẹ Merkel

AP dẫn lời một số nhà quan sát nhận định bất chấp hìn ảnh trái ngược, trên thực tế bà Merkel luôn hành xử với phong cách nhất quán trong cả hai cuộc khủng hoảng.

Trước hết là sự cẩn trọng, rồi hành động quyết liệt, đòi hỏi châu Âu phải tuân thủ quy định quốc tế, cầu thị quan điểm của dư luận trong nước, và hi vọng sự lãnh đạo của Đức sẽ giúp đem lại một giải pháp cho cả châu Âu.

Bà Merkel không làm hài lòng tất cả mọi người với cách tiếp cận này.

Vài quốc gia ủng hộ quan điểm cứng rắn của bà trong việc xử lý giải quyết khủng hoảng nợ Hi Lạp như các nước Baltic và Slovakia, giờ đang phản đối kế hoạch của EU là phân bổ người nhập cư tới các nước khu vực theo “hạn ngạch” bắt buộc.

Tuy nhiên “người đàn bà thép” 61 tuổi tỏ ra rất kiên định, và tỷ lệ ủng hộ của người dân trong nước dành cho bà vẫn rất cao ở thời điểm bà sắp kỷ niệm 10 năm cầm quyền.

Các nhà quan sát cho rằng bà Merkel trụ vững trên đỉnh cao trong một thời gian dài xuất phát từ việc bà biết cách thuyết phục thành công cử tri Đức rằng bà luôn biết cách đối phó với các vấn đề phức tạp và lắng nghe người dân.

Việc bà Merkel khẳng định Đức và EU phải có nghĩa vụ tiếp nhận người tị nạn đã đem lại cho bà nhiều lời ca ngợi và sự thiện cảm lớn. Rất nhiều người tị nạn gọi bà là “mẹ Merkel”.

Khi bà đến thăm một trung tâm tiếp đón người tị nạn ở Berlin tuần trước, tất cả đã nồng nhiệt hoan hô chào đón bà.

Mở cửa không giới hạn cho người tị nạn chiến tranh

Nhà phân tích Manfred Guellner, người đứng đầu hãng khảo sát Forsa, nhận định một đặc điểm của bà Merkel là sự thực tế.

“Bà ấy đang hành động rất thực tế. Bà ấy luôn cẩn trọng đi chậm một bước” - chuyên gia Guellner khẳng định.

Theo ông Guellner, bà Merkel xác định phải hỗ trợ người tị nạn vì hình ảnh của nước Đức.

Mới đây, bà cũng tuyên bố: “Tôi mừng là Đức đã trở thành một đất nước mà người nước ngoài gắn liền với sự hi vọng. Đây không phải là vấn đề của tôi mà của đất nước, của người dân”.

Bà Merkel cũng chỉ rõ việc tiếp nhận người tị nạn sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Đức với dân số đang ngày càng già đi, thiếu lao động trẻ. Bà kêu gọi người tị nạn học tiếng Đức, hòa nhập với xã hội, không tự cô lập mình.

Thủ tướng Đức đang nhẫn nại và kiên quyết thuyết phục các nước EU chia sẻ gánh nặng người tị nạn.

Bà công khai khẳng định vai trò lãnh đạo của Đức tại châu Âu: “Đã nhiều lần châu Âu phải đối mặt với các thách thức và khu vực trông đợi vào sức mạnh của Đức. Nếu mạnh mẽ và dám lãnh đạo, Đức sẽ tìm ra được một giải pháp cho châu Âu”.

Cuộc khủng hoảng tị nạn vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nhưng bà Merkel có lợi thế là lãnh đạo liên minh cầm quyền với các đảng lớn nhất ở Đức, thế đa số ở Quốc hội lớn, trong khi phe đối lập lại thiên tả.

Không có nhiều chỉ trích từ chính trường đối với quyết định mở cửa tiếp nhận người tị nạn của bà Merkel.

Giới quan sát nhận định bà Merkel đang chuẩn bị cho nước Đức chiến lược xử lý khủng hoảng tị nạn về lâu về dài.

Bà nhấn mạnh Đức sẽ mở cửa không giới hạn cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và áp bức, nhưng sẽ từ chối những người không thuộc diện này.

“Đây là thách thức lâu dài với nước Đức, do đó điều quan trọng là chúng ta cần sư linh hoat của người Đức” - bà Merkel khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại