Aung San Suu Kyi tiếp tục hòa giải với quân đội

Bà Aung San Suu Kyi có cuộc gặp kín với Thống tướng Than Shwe, nhà cựu lãnh đạo của Myanmar...

Chính trị gia đối lập của Myanmar Aung San Suu Kyi vừa có thêm một bước quan trọng tiến tới hòa giải với quân đội bằng cuộc gặp kín với Thống tướng Than Shwe, nhà cựu lãnh đạo của nước này.

Theo tờ Wall Street Journal, cuộc gặp trên đã diễn ra vào ngày thứ Sáu vừa qua.

Trước đó, cũng trong tuần trước, bà Suu Kyi đã có hai cuộc gặp mang tính quyết định khác đối với tiến trình chuyển giao quyền lực ở Myanmar, với Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Sau cuộc gặp giữa bà Suu Kyi với ông Than Shwe, ông Win Htein, thành viên ủy ban điều hành Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LDP) của nữ chính trị gia này cho biết bà Suu Kyi lạc quan về triển vọng thành lập một chính phủ mới hiệu quả.

Giới phân tích chính trị tin rằng Thống tướng Than Shwe, người trên danh nghĩa đã về hưu vào năm 2011 và hiện 80 tuổi, vẫn có ảnh hưởng lớn trong hậu trường chính trị ở Myanmar, cho dù ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Cháu của ông Than Shwe, Nay Shwe Thway Aung, đã tiết lộ trên mạng xã hội Facebook rằng, sau cuộc gặp với bà Suu Kyi, vị Thống tướng nói: “Sự thật là bà ấy sẽ trở thành nhà lãnh đạo tương lai của đất nước”.

Không rõ liệu câu nói này của Than Shwe có phải là một tín hiệu cho thấy quân đội Myanmar sẽ cho phép thay đổi Hiến pháp để bà Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống, hay là một sự thỏa hiệp về các vấn đề khác, chẳng hạn quyền kiểm soát của quân đội đối với các bộ Quốc phòng và Nội vụ.

Bà Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị và từng được trao giải Nobel hòa bình, đã đưa đảng NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar vào tháng trước.

Với chiến thắng này, NLD chiếm 3/4 số ghế trong Quốc hội, nhưng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi quanh việc liệu quân đội Myanmar sẽ hợp tác với bà Suu Kyi tới mức độ nào.

Hiến pháp do quân đội soạn thảo của Myanmar không cho phép bà Suu Kyi trở thành Tổng thống, bởi các con của bà mang hộ chiếu nước ngoài.

Ngoài ra, quân đội cũng có thể phủ quyết bất kỳ sự thay đổi hiến pháp nào, nhờ được đảm bảo luôn có ít nhất 1/4 số ghế trong Quốc hội.

Tuy nhiên, không giống như lần bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1990 - cuộc bầu cử mà quân đội Myanmar phớt lờ kết quả - lần này, quân đội đã phát tín hiệu sẽ chấp nhất kết quả bỏ phiếu.

Trong cuộc gặp với bà Suu Kyi vào tuần trước, tướng Aung Hlaing đã cam kết sẽ hợp tác với chính phủ mới do NLD thành lập.

Cùng với cuộc gặp giữa bà Suu Kyi với thống tướng Than Shwe, một số nhà phân tích tin rằng quân đội Myanmar xem cuộc bầu cử ngày 8/11 là một cơ hội để cải thiện uy tín.

Nhà phân tích độc lập Richard Horsey tại Yangon nhận định, quân đội Myanmar muốn được nhìn nhận là người cho phép dân chủ phát triển ở Myanmar.

Nhưng không rõ trong các cuộc gặp giữa bà Suu Kyi với ông Thein Sein, ông Than Shwe, và ông Aung Haling, hai bên có bàn về chủ đề sửa Hiến pháp để bà Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống hay không.

Quốc hội mới của Myanmar sẽ phải chọn ra Tổng thống mới trước tháng 3/2016. Bà Suu Kyi từng nói dù ai sẽ trở thành Tổng thống, thì bà cũng sẽ là người “đứng trên Tổng thống”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại