Thông cáo chung của các bộ trưởng cho biết ASEAN “quan ngại sâu sắc với các diễn biến gần đây và đang diễn ra” trên Biển Đông.
“Chúng tôi ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Các ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các bên thực hiện Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế...
Bản thông cáo chung không chỉ rõ “tôn tạo, bồi đắp” là hành vi bồi đắp quy mô lớn, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, đây vẫn là quan điểm mạnh mẽ của ASEAN nếu tính đến việc trước AMM-48 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng khẳng định hội nghị ASEAN “không phải là diễn đàn phù hợp để thảo luận các vấn đề nhạy cảm” như tranh chấp Biển Đông.
Cương quyết thúc đẩy COC
Các bộ trưởng cũng cho biết ASEAN và Trung Quốc sẽ chuyển sang “giai đoạn mới” của hoạt động tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và tiến tới thương lượng về bộ khung, cấu trúc, các thành tố của COC, giải quyết các vấn đề cốt yếu, khó và phức tạp liên quan đến COC.
Một quan chức ngoại giao ASEAN tiết lộ trong các cuộc họp ở Kuala Lumpur, ngoại trưởng các nước ASEAN đã thể hiện sự lo ngại rất sâu sắc đối với hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.
Quan chức ASEAN này cho biết trong các cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị luôn miệng nói rằng Biển Đông không có vấn đề gì cả, rất ổn định.
“Thứ nữa là Trung Quốc tuyên bố đã làm xong lấn biển, bồi đắp rồi, sẽ không tiếp tục, do đó ASEAN không nên bàn về vấn đề đảo nhân tạo nữa.
Trung Quốc sẽ phát triển các đảo thành những cơ sở và mời ASEAN sử dụng, ví dụ cho hoạt động cứu hộ cứu nạn. Tức là Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền với các đảo nhân tạo này” - ông cho biết.
“Nhưng vấn đề là hành vi xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là hành vi phá vỡ hiện trạng của Biển Đông, đã vi phạm trắng trợn điều 5 của DOC, đồng thời hủy hoại nghiêm trọng môi trường Biển Đông” - quan chức này nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng đánh giá các hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại tinh thần và các quy định của DOC.
Về COC, quan chức ngoại giao trên cho biết trên thực tế, tất cả đều biết Trung Quốc muốn dây dưa trì hoãn. Nhưng tại hội nghị lần này, các bộ trưởng ASEAN đều khẳng định cương quyết phải đẩy nhanh COC.
“Nhanh là phải chuyển sang giai đoạn thương lượng. Trước đây Trung Quốc muốn duy trì tham khảo, nhưng tham khảo có thể kéo dài mãi không biết đến bao giờ. Thương lượng là phải có nội dung, phải đặt ra thời gian biểu hoàn thành” - ông lý giải.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng cho biết các bộ trưởng ASEAN muốn Trung Quốc phải tham vấn COC đi vào giai đoạn thực chất hơn.
“Mỹ không chấp nhận sự cản trở trên Biển Đông”
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Kuala Lumpur hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu thẳng trước người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng “Mỹ sẽ không chấp nhận sự cản trở đối với tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.
Ông Kerry nhấn mạnh trong những tháng qua đã có những hành vi cản trở diễn ra trên Biển Đông. Trước đó, Philippines nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cảnh báo máy bay Philippines trên Biển Đông. Máy bay tuần tra của Mỹ cũng bị hải quân Trung Quốc cảnh báo.
Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Ngoại trưởng Kerry cho biết ông đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về “hành vi bồi đắp quy mô lớn, xây đảo nhân tạo và nguy cơ quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông”.
Phía Mỹ yêu cầu tất cả các nước khu vực “ngừng bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa” các cấu trúc này.
“Chính sách tự kiềm chế là cần thiết để tạo không gian ngoại giao nhằm xây dựng COC.
Các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông cần ngừng các hành vi đơn phương làm leo thang căng thẳng và có thể dẫn đến những sai lầm, giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế” - ông Kerry nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông có nghe nói việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đã dừng hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
“Tôi hi vọng điều đó là đúng, nhưng tôi cũng không dám chắc” - ông Kerry thể hiện sự hoài nghi. Ông cho rằng Trung Quốc cần phải dừng cả bồi đắp, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông.
“Trong cuộc gặp với tôi, Ngoại trưởng Vương Nghị tỏ ý rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết một số vấn đề, nhưng cam kết này không toàn diện như chúng tôi mong đợi” - ông Kerry cho biết.
Trên thực tế, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc vẫn đang ồ ạt xây đảo nhân tạo trái phép trên bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đang chuẩn bị xây dựng thêm một đường băng dài 3.000m trên đá Xu Bi.
Các quan chức quân sự Mỹ và giới chuyên gia an ninh từng nhiều lần cảnh báo Trung Quốc sẽ dùng các đảo nhân tạo bất hợp pháp này làm cơ sở quân sự để hiện thực hóa giấc mơ chiếm trọn Biển Đông.
Bất đồng về nội dung thông cáo chung
Một số quan chức ASEAN ngoại giao giấu tên cho biết ban đầu các ngoại trưởng muốn dùng ngôn từ mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông trong bản thông cáo chung, bao gồm việc chỉ ra rõ ràng và chi tiết hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc.
Dự thảo thông cáo chung có lời kêu gọi dừng ngay hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo này.
Tuy nhiên một số thành viên ASEAN có quan hệ thân cận với Trung Quốc đã phản đối quan điểm này. Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cũng xác nhận có sự bất đồng về nội dung Biển Đông.