Phóng viên chiến trường người Đức Horst Faas là một trong những phóng viên ảnh huyền thoại của hãng tin Mỹ AP. Tên tuổi của ông được biết tới nhiều nhất qua những bức ảnh về Chiến tranh Việt Nam.
Đặc biệt, với bức ảnh chụp một người cha ôm thi thể con nhỏ, ngước nhìn lên xe bọc thép của quân đội Việt Nam Cộng hoà được chụp năm 1964, nhiếp ảnh gia Faas đã giành được giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer năm 1965. Ông qua đời tại Munich (Đức) ngày 10/5/2012.
Là trưởng nhóm ảnh của hãng tin tại Sài Gòn, ông đã ở Việt Nam trong suốt 10 năm đầy cam go nhất của, ghi lại những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến này. Người Mỹ đã mang chiến tranh tới Việt Nam. Súng đạn của lính Mỹ đã lấy đi của người dân Việt Nam rất nhiều máu và nước mắt. Nhưng chính sự tàn nhẫn ấy cũng đã khiến họ phải trả bằng máu và nước mắt của mình trên mảnh đất này.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia huyền thoại Horst Faas trong chiến tranh Việt Nam:
Những người dân sống sót sau cuộc tấn công kéo dài 2 ngày đêm của quân đội Việt Nam Cộng hoà nhằm chiếm chốt Đồng Xoài sợ hãi co cụm lại với nhau. Ảnh chụp tháng 6/1965.
Lính Việt Nam Cộng hoà dùng chuôi dao găm đánh một nông dân vì đã cung cấp thông tin không chính xác về hoạt động của du kích ở một ngôi làng ở phía Tây Sài Gòn. Ảnh chụp ngày 9/1/1964.
Người cha ôm thi thể con nhìn lên chiếc xe bọc thép chở lính Việt Nam Cộng hòa. Đứa bé thiệt mạng khi quân Việt Nam Cộng hoà tấn công du kích trong một ngôi làng gần biên giới Campuchia. Ảnh chụp ngày 19/3/1964.
Trung tá quân đội Mỹ George Eyster được đặt nằm lên cáng sau khi trúng đạn của Quân đội Việt Nam. Ảnh chụp ngày 16/1/1966.
Một người phụ nữ Việt Nam bế trên tay cậu con nhỏ và kéo theo một cô con gái, vội vàng chạy ra khỏi ngôi nhà đang bốc cháy. Ảnh chụp tháng 7/1963.
Lính Mỹ cho một đồng đội bị thương uống nước. Ảnh chụp ngày 2/4/1967.
Lính Mỹ bị thương được điều trị ngay tại chiến trường. Ảnh chụp ngày 2/4/1967.
Binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 1, đơn vị Bộ binh số 28 Mỹ, bò đi tìm nơi trú ẩn khi bị quân đội Việt Nam tấn công bất ngờ khi đang ngồi ăn trưa. Ảnh chụp ngày 9/1/1966.
Thuỷ quân lục chiến Mỹ nghe nhịp tim của một đồng đội đang hấp hối sau khi bị thương vào đầu. Ảnh chụp ngày 19/9/1966.
Thuỷ quân lục chiến Mỹ chạy tán loạn khi chiếc trực thăng CH-46 bị bắn hạ và phát nổ. Ảnh chụp ngày 15/7/1966.
Lính bộ binh Mỹ cầu nguyện trong một khu rừng Việt Nam trong lễ tưởng niệm đồng đội chết trong cuộc tấn công đồn điền cao su Michelin. Ảnh chụp ngày 9/10/1965.
Lính Mỹ lau nước mắt khi quỳ bên cạnh thi thể của đồng đội được bọc trong vải pon-sô sau cuộc tấn công bằng hỏa lực vào khu phi quân sự. Ảnh chụp ngày 18/6/1966.
Lính bộ binh Mỹ mang một đứa trẻ đang khóc đi khỏi một ngôi làng sau khi ném một quả lựu đạn vào một hầm trú ẩn không có người trong cuộc càn quét ở gần đồn điền cao su Michelin, tây bắc Sài Gòn. Ảnh chụp ngày 22/8/1966
Một người tải thương Việt Nam đeo mặt nạ để tránh mùi khi đi qua thi thể của lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tại đồn điền cao su Michelin, cách Sài Gòn 45 dặm về phía Đông Bắc. Ảnh chụp ngày 27/11/1965.