Iceo.com, hãng truyền thông chuyên phục vụ các chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã liệt kê ra danh sách 9 hạng mục mà người dân Trung Quốc mong muốn nhất.
1. Giàu có
Trở nên giàu có đứng đầu bảng danh sách ham muốn của người Trung Quốc. Một cuộc thăm dò được Reuters và Ipsos tiến hành tháng 2/2013 cho thấy, 69% người Trung Quốc coi đồng tiền là biểu tượng của sự thành công. Đây là tỷ lệ % cao nhất so với các khảo sát khác ở 20 quốc gia. Tại Mỹ, chỉ có 33% người dân cho rằng nhiều tiền đồng nghĩa với thành công.
Kết quả khảo sát sau đó của Huanqiu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo thậm chí còn tiết lộ rõ hơn: hơn 60% người Trung Quốc cho biết họ “tôn sùng” đồng tiền và hơn 95% tin rằng sùng bái đồng tiền là vấn đề nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc.
2. Nhà to cửa rộng
Đứng thứ hai trong danh sách “phải có” của người Trung Quốc chính là nhà ở và không chỉ một chiếc. Nếu người Trung Quốc có tiền nhàn rỗi, họ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn và mua những căn nhà lớn hơn, tích lũy nhiều tài sản hơn, mặc dù rất nhiều trong số đó bị bỏ hoang.
Kết quả thăm dò 9.815 người tại 19 quốc gia của Franklin Templeton Investments, công ty quản lý tài sản có trụ sở ở Mỹ cho thấy 34% người Trung Quốc coi việc mua nhà là một ưu tiên, so với 8% người Mỹ và 13% người Nhật.
3. Xe hơi sang trọng
Sở hữu một chiếc hơi sang trọng được người Trung Quốc coi là biểu tượng đẳng cấp. Hầu hết mọi người đều cho rằng không có được một chiếc xe hơi là điều đáng xấu hổ và thậm chí còn đáng xấu hổ hơn nếu lái chiếc xe kém hơn một chút.
Sở hữu xe hơi sang trọng là một trong những ước muốn hàng đầu của người Trung Quốc
Theo kết quả khảo sát của công ty quảng cáo Innocean thuộc Tập đoàn Hyundai ở Seoul, Bắc Kinh và Thượng Hải, mỗi nơi với 500 chủ sở hữu, thì 60% số người được hỏi từ hai thành phố của Trung Quốc đồng ý rằng xe hơi là một phương tiện quan trọng thể hiện đẳng cấp xã hội và để giữ thể diện.
4. Trở thành ông chủ
Người Trung Quốc luôn muốn thay thế vị trí ông chủ của mình. Họ thần tượng các doanh nhân được niêm yết trên danh sách những người giàu có nhất thế giới của Forbes hàng năm.
Cuộc khảo sát năm 2010 của CCTV đã chỉ ra rằng hơn 30% người Trung Quốc trẻ tuổi muốn trở thành ông chủ. Một cuộc khảo sát trước đó ở Bắc Kinh cũng cho thấy, trong số 870 người thì 21,2% thường xuyên mơ ước được làm ông chủ. Riêng tại thành phố Thượng Hải, có tới 80% số người được hỏi cho biết họ muốn trở thành ông chủ.
5. Trúng số
Người Trung Quốc rất thích đánh bạc và hy vọng sẽ trở nên giàu có chỉ trong một đêm. Theo một cuộc khảo sát, có tới 200 đến 400 triệu người dân nước này đang chơi xổ số và 400.000 người nghiện nặng trò chơi may rủi này.
Năm 2012 đã có tổng cộng 261,5 tỷ nhân dân tệ (43 tỷ USD) giá trị vé số được bán ra tại Trung Quốc, tăng 18% hay tương đương với 6,56 tỷ USD so với năm trước.
6. Trở thành quan chức
Mặc dù người Trung Quốc rất căm ghét cán bộ nhà nước nhưng hầu hết lại muốn có được vị trí này. Đặc biệt, những năm gần đây số lượng người muốn trở thành quan chức ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê, năm 2012 Trung Quốc có 1,3 triệu người đăng ký thi tuyển công chức, với tỷ lệ chọi là 1/53. Hiện nay, thi tuyển công chức là kỳ thi hóc búa số 1 ở Trung Quốc, vượt xa thi tuyển sinh đầu vào ở trường đại Bắc Kinh hay Đại học Thanh Hoa.
Hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc vẫn còn rất khó khăn trong khi công chức lại ổn định, nhà hạ, lương cao và nhiều lợi ích, trợ cấp và thu nhập đen khác, do đó sinh viên đại học tranh giành nhau để vào được vị trí này.
7. May mắn trong tình yêu
Người dân Trung Quốc luôn hy vọng sẽ được “may mắn” với người khác giới. Nhưng giờ đây, muốn may mắn, họ phải đáp ứng được một số điều kiện tiên quyết. 90% phụ nữ Trung Quốc yêu cầu phu quân tương lai của mình phải có thu nhập ổn định, và gần 70% đòi hỏi nhà riêng như một điều kiện tiên quyết để tiến tới hôn nhân.
8. Ra nước ngoài sinh sống
Rất nhiều doanh nhân Trung Quốc mang tiền ra nước ngoài đầu tư
Nhờ kinh tế phát triển trong vài thập kỷ qua, một lượng lớn người dân Trung Quốc đã trở nên giàu có. Nhưng cũng rất nhiều người trong số họ chuyển tiền và con cái ra nước ngoài vì lo ngại các bất ổn xã hội, chính trị và môi trường không an toàn trong nước. Báo cáo năm 2010 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết nước này đã trở thành quốc gia di cư lớn nhất thế giới, với hơn 45 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài sinh sống.
9. Đi du lịch thế giới
Ngày nay, có hàng triệu người Trung Quốc đi du lịch thế giới. Họ thích mua sắm các thương hiệu đẳng cấp và chụp ảnh ở những địa danh nổi tiếng. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Trung Quốc, hơn 70 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài trong năm 2011, tăng gấp 5 lần trong mười năm qua.