Đây là chuyến công du nước ngoài thứ 15 kể từ khi ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên ông thăm Mỹ trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc.
Bên cạnh danh sách 15 doanh nghiệp trong đoàn tháp tùng Tập Cận Bình, những người có mặt trên chuyên cơ của nhà lãnh đạo này cũng khiến dư luận tò mò.
Phu nhân Chủ tịch Bành Lệ Viện
Phu nhân Bành Lệ Viện (phải) đã tháp tùng 10/14 chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Theo Sohu, trong 14 lần công du của ông Tập kể từ năm 2013, phu nhân của ông là bà Bành Lệ Viện có tới 10 lần tháp tùng chồng.
Cựu Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ ngoại giao Trung Quốc Lỗ Bồi Tân tiết lộ với Sohu, nếu phu nhân Chủ tịch tháp tùng chuyến công du thì lịch trình của bà cũng được sắp xếp một cách độc lập.
Lịch trình của bà Bành Lệ Viện sẽ được Vụ trưởng Vụ lễ tân trực tiếp thỏa thuận cùng đối tác trong quá trình "tiền trạm" trước khi chuyến công du diễn ra.
Ngoài ra, Vụ này cũng sắp xếp một phiên dịch nữ và một giám đốc cấp Sở tháp tùng phu nhân Chủ tịch. Về an ninh, bà Bành sẽ có đội nữ vệ sĩ riêng bảo vệ.
3 quan chức cấp phó quốc gia luôn đi cùng ông Tập
Sohu cho hay, khi Chủ tịch nước, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc công du nước ngoài đều có các quan chức và đội ngũ công tác tháp tùng.
Thông thường, các quan chức cấp Tỉnh, Bộ trở lên sẽ được nằm trong nhóm tháp tùng nguyên thủ và có tên trên danh sách công tác.
Ông Lỗ Bồi Tân giới thiệu, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc, những nhân vật tháp tùng chủ yếu ngoài Phu nhân Chủ tịch gồm: Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương và Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao.
Sohu chỉ ra, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Vương Hộ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì luôn có mặt trong toàn bộ hành trình công du của ông Tập Cận Bình.
Các ông Lật Chiến Thư, Vương Hộ Ninh (từ trái qua) và Dương Khiết Trì (ngoài cùng bên phải) luôn có mặt trong đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.
Bên cạnh đó, một số quan chức khác "ít liên quan" cũng có thể tháp tùng ông Tập nếu có các hoạt động "bên lề", nhưng không nhất thiết phải theo đoàn toàn bộ thời gian mà có thể "tách nhóm" để thực hiện lịch trình công tác của riêng mình.
Thông báo công khai của chính phủ Trung Quốc về chuyến thăm Nga của ông Tập hồi tháng 3/2013 cho thấy, Phó thủ tướng Uông Dương và Bộ trưởng quốc phòng Thường Vạn Toàn đã tới Nga trước khi Chủ tịch Trung Quốc xuất phát.
Tháng 7/2015, ông Châu Tiểu Xuyên - Phó chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - cũng tham gia đoàn tháp tùng Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Ufa, Nga.
Quan chức cấp Bộ
Các quan chức cấp Bộ hoặc tương đương tháp tùng ông Tập Cận Bình thường bao gồm Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị, Chủ nhiệm Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Từ Thiệu Sử, Bộ trưởng thương mại Cao Hổ Thành...
Ngoài ra, Chủ nhiệm Văn phòng Tiểu ban lãnh đạo tài chính Trung ương Lưu Hạc cũng thường xuyên có mặt trong các chuyến công du của ông Tập.
Lỗ bồi Tân cho hay, bên cạnh các quan chức nêu trên, người phụ trách một số cơ quan nghiệp vụ cũng đi theo đoàn.
Ví dụ, trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập, do phạm vi hội đàm rộng, bao gồm bảo vệ môi trường, an ninh mạng... cùng nhiều vấn đề khác, nên những người đứng đầu cơ quan phụ trách các lĩnh vực này của Trung Quốc cũng tới Mỹ.
Ngoại trừ vào năm 2013, quan chức cấp Bộ trưởng được nêu rõ tên trong thông báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hoặc Tân Hoa Xã, các thông báo về sau chỉ liệt kê tên quan chức cấp phó quốc gia trở lên.
Một trong những lần hiếm hoi truyền thông Trung Quốc công khai hình ảnh bên trong máy bay phục vụ ông Tập.
"Chuyên cơ" của Tập Cận Bình
Theo Sohu, Air China là hãng hàng không duy nhất được chỉ định cung cấp máy bay phục vụ các chuyến công tác của lãnh đạo Trung Quốc. Dù vậy, người đứng đầu nước này không có chuyên cơ riêng.
Theo ông Lỗ Bồi Tân, mẫu máy bay thường sử dụng cho ông Tập là Boeing 747, lúc bình thường vẫn được dùng như máy bay thương mại. Quá trình xác định thành viên phi hành đoàn cũng như cải tạo, kiểm tra an toàn của máy bay mất khoảng 1 tháng.
Tổ bay thường gồm hơn 20 người, bao gồm cơ trưởng, kỹ sư, phi công, tiếp viên, nhân viên điện tín,... "Phi hành đoàn thường chia làm 2 ca, 1 ca trực ban, 1 ca nghỉ." - Lỗ cho hay.
Ông này cho biết, sau khi cải tạo máy bay phục vụ lãnh đạo Trung Quốc thường gồm 4 bộ phận. Phía trước là khu vực "thủ trưởng", gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 văn phòng làm việc, chiếm khoảng 1/3 không gian máy bay.
Tiếp đó là khu "bộ trưởng", theo ông Lỗ mô tả là "giống với khoang đặc biệt trên các máy bay thương mại", dành cho các quan chức chủ chốt trong đoàn tháp tùng nguyên thủ Trung Quốc, mỗi chỗ ngồi đều có bàn nhỏ.
Thứ ba là khoang dành cho quan chức cấp Sở, Cục... "tương đương khoang hạng nhất". Cuối cùng là khu vực của nhân viên với ghế ngồi giống như các khoang hành khách thông thường.