“Vấn đề Crimea” nổi lên trong mối quan hệ Nga – Ukraine sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991. Nga thì muốn duy trì căn cứ quân sự của mình tại Sevastopol thuộc Crimea càng lâu càng tốt và bảo vệ người gốc Nga ở đây. Ukraine thì vừa muốn Nga giúp đỡ, vừa muốn theo phương Tây. Còn phương Tây thì lại “ve vãn” Ukraine bằng lợi ích từ Liên minh châu Âu (EU) và Khối quân sự NATO, hai sức mạnh sẽ đẩy Nga lùi xa hơn về phía Đông.
"Dấu ấn" của Khrushchev tại Crimea
Bán đảo Crimea là một phần của Đế chế Nga từ thế kỉ 18 cho tới tháng 2/1954, khi Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao của Liên Xô ban hành sắc lệnh cắt tỉnh Crimea cho Ukraine, lúc đó còn là một thành viên của Liên Xô.
Việc sát nhập này được cho là mang đậm dấu ấn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev.
Nhắc lại thời điểm đó, tờ Pravda (Nga) ngày 19/2/2009 cho biết: “Người đứng đầu Liên Xô Nikita Khrushchev đã đưa Crimea đến với Ukraine trong vòng 15 phút”.
Theo bài báo, trong một lần đi ăn trưa, ông Khrushchev đã nói với các quan chức chính phủ rằng có ý kiến về việc nên sáp nhập Crimea vào Ukraine. Vấn đề này sau đó đã được đưa ra tại chương trình nghị sự của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 25/1/1954. Cuộc thảo luận diễn ra trong 15 phút và cuối cùng, những người tham dự cuộc họp đã nhất trí thông qua nghị định về việc sát nhập.
Bản đồ tương quan vị trí giữa Crimea với Ukraine và Nga.
Ông Sergei Khrushchev, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Watson thuộc Đại học Brown (Mỹ), con trai cố Tổng bí thư Khrushchev giải thích rằng quyết định sát nhập Crimea vào Ukraine liên quan tới việc xây dựng một đập thuỷ điện trên sông Dnieper, nhằm mang lại nước tưới cho khu vực phía nam Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.
“Vì sông Dnieper và đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Ukraine, nên việc đặt phần lãnh thổ còn lại của Crimea nằm dưới quyền kiểm soát của người Ukraine là để họ chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc...Nó đơn thuần chỉ là về thương mại" chứ không phải là bởi “muốn làm hài lòng giới lãnh đạo ở Ukraine” hay “coi Crimea như một món quà tặng mẹ tôi, một phụ nữ Ukraine”.
Tuy nhiên, Khruschev đã không biết rằng quyết định này đã khiến cho Crimea không ít lần gặp sóng gió về chính trị, và “vấn đề Crimea” lại trở thành “góc khuất” tồn tại dai dẳng trong quan hệ Nga – Ukraine.
Tranh cãi không hồi kết giữa Nga – Ukraine
Tại Ukraine, Crimea là nơi duy nhất được hưởng vị thế của một nước cộng hòa tự trị. Về cơ bản, Crimea vẫn được phép mang “tính Nga" với số người Nga chiếm tới 58%, khoảng 24% là người Ukraine và 12% là người Tatar (theo số liệu thăm dò gần nhất vào năm 2001). Tiếng Nga cũng là ngôn ngữ mẹ đẻ của 3/4 dân số Crimea, chỉ có 1/10 dân số tuyên bố tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Ukraine.
Theo kết quả một cuộc trưng cầu dân ý năm 1991 tại Crimea, 93,26% người dân ủng hộ Crimea là một nước cộng hòa tự trị thuộc Liên Xô. Tuy nhiên, trong một cuộc trưng cầu dân ý khác về việc liệu người dân có muốn Ukraine độc lập khỏi Liên Xô hay không thì cũng có 54% phiếu thuận.
Người dân Nga ở Crimea từng cho rằng tất cả đều là nhân dân của Tổ quốc Liên Xô. Tuy vậy, sau khi Liên Xô tan rã, vị thế của Crimea bắt đầu trở thành đề tài bị nhiều người dân Nga chỉ trích, kể cả những người Nga tại Crimea. Lí do là bởi chính quyền của Tổng thống Yeltsin và chính quyền Ukraine đạt được thỏa thuận mà theo đó, Crimea trở thành khu tự trị của Ukraine, chứ không về lại với nước Nga.
Hạm đội biển Đen của Nga tại Sevastopol.
Một vấn đề gây tranh cãi nữa giữa Nga và Ukraine là thủ phủ của Crimea, Sevastopol. Đây là thành phố lớn nhất thuộc bán đảo này và cũng là nơi có vị trí chiến lược về quân sự.
Sevastopol từng bị tách khỏi Crimea và trực thuộc thủ đô Moscow năm 1948. Mặc dù sau nhiều cuộc thương lượng, Sevastopol trở về với Ukraine, song thành phố này vẫn là nơi đặt một số căn cứ hải quân Nga. Trong đó, hạm đội biển Đen của Nga đã thuê căn cứ ở đây tới năm 2047.
Trên thực tế, mặc dù Crimea thuộc lãnh thổ Ukraine, song nhiều người Nga, kể cả các chính trị gia, vẫn coi Sevastopol là một phần lãnh thổ nước mình, còn Crimea là một phần lãnh thổ đã bị tước mất của mình.
Ukraine tuyên bố "thẳng tay" với kẻ "tiêu diệt nền độc lập Ukraine"
Sau khi bất ổn leo thang ở Ukraine và Quốc hội nước này thông qua quyết định phế truất Tổng thống Yanukovych, Nga đã triển khai lực lượng tới kiểm soát Crimea. Chính quyền của Tổng thống Putin khẳng định động thái này nhằm bảo vệ những người gốc Nga đang sinh sống tại đây. Trong khi đó, Mỹ đã mô tả đây là một “hành động xâm lược”.
Mới đây, kết quả bỏ phiếu của cuộc trưng cầu dân ý do Quốc hội Crimea tổ chức ngày 16/3 đã cho thấy, 96,6% người dân nước cộng hòa tự trị này đồng ý sát nhập trở lại Nga. Cuộc bỏ phiếu, cùng với kết quả này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía chính phủ lâm thời Ukraine.
Một người dân Crimea đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố “sẽ tìm ra tất cả những kẻ cầm đầu chủ nghĩa ly khai được quân đội Nga bảo vệ và đang cố gắng tiêu diệt nền độc lập của Ukraine. Chúng ta sẽ tìm ra bọn chúng, bất kể là phải mất đến một hoặc hai năm, rồi đưa chúng ra công lý, khởi kiện chúng với tòa án Ukraine và quốc tế”.
Có vẻ như, vấn đề về vị thế của Crimea sẽ tiếp tục khoét sâu thêm những căng thẳng, vốn đang leo thang, giữa Nga và Ukraine.