Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là “bổn cũ soạn lại” giống như những gì họ đã từng làm ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
"Chúng tôi đi đánh cá", Tsang Kin-shing, một người trên con tàu có tên Kai Fung số 2 nói với phóng viên của hãng tin AFP.
Nhân vật này từ chối tiết lộ lộ trình của chuyến đi và chỉ cho biết nhóm của ông ta gồm 13 người cùng với 2 nhà báo, tuyên bố sẽ khởi hành đi về hướng quần đảo Trường Sa.
Mục đích của nhóm 13 “nhà hoạt động” này đã lập tức lộ rõ khi Lo Chau – một nhân vật khác trong nhóm, tuyên bố: "Nếu như không có cá ở Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam), chúng tôi sẽ đi bất kỳ đâu thuộc “lãnh thổ” của Trung Quốc mà có cá, chính vì thế chúng tôi không thể nói ngay lúc này là chỗ nào sẽ có cá” .
Đáng chú ý hơn nữa, cũng chính nhóm “nhà hoạt động” này hồi tháng 8 năm ngoái đã đi thuyền ra cắm cờ trên một hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Tại Senkaku, nhóm người này đã cắm cờ nhưng ngay sau đó đã bị các nhà chức trách Nhật Bản bắt và trục xuất về sau đó. Sau lần cắm cờ thất bại đó, hồi tháng 8 năm nay, chính nhóm này lại tiếp tục tái diễn hành động đó nhưng có điểm khác là họ thực hiện trong khi có một tàu của lực lượng hàng hải Hong Kong neo cách đó khoảng 50m với lý do “để đảm bảo an toàn”.
Các quan chức của chính quyền Hong Kong - Trung Quốc đã nhiều lần ngăn cản các chuyến đi của “những nhà hoạt động” này từ đó dấy lên những đồn đoán rằng chính quyền Bắc Kinh không có ý định cổ xúy cho những hành động nguy hiểm và có nguy cơ gây ra đụng độ ở mức cao như vậy.
Trong lần ra biển này, nhóm các nhà hoạt động Hong Kong cũng đã phải hoãn thời gian xuất phát bởi họ bị cảnh sát và quan chức chính quyền Hong Kong yêu cầu khám xét. Thậm chí có cả một toán cảnh sát mặc áo giáp và mũ chống đạn đã lên tàu để ngăn cản việc những người này khởi hành trong suốt gần 1 giờ đồng hồ.
Khi con tàu Kai Fung số 2 ra khơi, một số tàu của chính quyền đã đi theo.