- Kết quả bầu cử vòng 2 Quốc hội Pháp: Liên minh cánh tả giành chiến thắng
- Quốc hội treo: Không có đảng chính trị nào chiếm được đa số trong quốc hội Pháp
- Thách thức lãnh đạo đối với ông Macron giữa bối cảnh chia rẽ chính trị
Quốc hội treo: Trạng thái "mơ hồ"
"Tôi đã ném lựu đạn vào chân họ" được cho là cách mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhìn nhận việc ông kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi gặp thất bại cay đắng trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử hồi tháng 6.
CNN đánh giá đây là một canh bạc của ông Macron và kết quả cuối cùng đã khiến cả nước Pháp phải bất ngờ: liên minh cánh tả của Pháp – Mặt trận Bình dân Mới (NFP) giành chiến thắng với 182 ghế và phe cực hữu chỉ đứng thứ ba - một sự đảo ngược gây sốc so với kết quả vòng đầu tiên diễn ra cách đây 1 tuần.
Tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris, tin tức về kết quả dự kiến đã được nhiều người dân đón nhận bằng những tràng pháo tay nhiệt liệt. Họ ôm nhau, thở phào nhẹ nhõm vì trong mắt họ, nước Pháp đã được kéo lại từ bờ vực.
Cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu với tỷ lệ tham gia cao nhất cho một cuộc bầu cử quốc hội trong hơn 20 năm, dường như nhằm thể hiện 1 thông điệp: họ không muốn phe cực hữu cầm quyền.
Tuy nhiên, vì liên minh cánh tả không đạt được 289 ghế cần thiết để chiếm được đa số trong khi vị thế của tổng thống yếu đi nên Quốc hội Pháp có thể sẽ rơi vào tình trạng chia rẽ hơn bao giờ hết.
Édouard Philippe, cựu Thủ tướng Pháp và là đồng minh của ông Macron cho rằng quyết định mạo hiểm của tổng thống khi quyết định tổ chức một cuộc bầu cử sớm đã dẫn đến "trạng thái vô cùng mơ hồ".
"Sự thật là không có khối chính trị nào giành được đa số trong quốc hội", ông Philippe nói, "Do đó, các lực lượng chính trị trung tâm có trách nhiệm phải ở lại. Họ phải thúc đẩy nỗ lực tạo ra một thỏa thuận giúp ổn định tình hình chính trị mà không nhân nhượng".
Theo CNN, chắc chắn Pháp sẽ bước vào một thời kỳ bất ổn kéo dài, khi ba khối đối lập với những ý tưởng và chương trình nghị sự cạnh tranh tìm cách xây dựng liên minh hoặc tự mình mắc kẹt trong trạng thái tê liệt.
Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), tỏ ra thất vọng rõ rệt và cho rằng sự thất bại của RN chỉ có thể xảy ra do việc bỏ phiếu chiến thuật từ phe trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả, khi 200 ứng cử viên thuộc các nhóm này quyết định rút khỏi cuộc đua để ngăn chặn phe cực hữu.
Mặc dù RN không đạt được như kỳ vọng, nhưng đây vẫn là một chiến thắng cho lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen khi mà đảng của bà nhận được ngày càng nhiều phiếu hơn sau mỗi cuộc bầu cử (8 phiếu vào năm 2017, 89 phiếu vào năm 2022 và 143 phiếu vào năm 2024 – trong đó thu hoạch của cuộc bầu cử năm 2024 có sự giúp đỡ của các đồng minh).
Đối với liên minh cánh tả NFP, nỗ lực tìm tiếng nói chung sẽ là 1 thách thức lớn. Lần cuối cùng thành lập 1 khối dưới tên của Đảng Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới (NUPES), liên minh đã tan rã do khác biệt cá nhân, cũng như chính sách.
Đảng cực tả France Unbowed (Nước Pháp Không khuất phục) và Đảng Cộng sản Pháp đã tham gia cùng Đảng trung tả Place Publique, Đảng Xã hội và Đảng Xanh, cùng 1 số đảng nhỏ khác để thành lập liên minh Mặt trận Bình dân Mới.
Hiện thách thức không chỉ là liệu cánh tả có thể đoàn kết chống lại cực hữu hay không, mà còn là các nhóm khác nhau trong liên minh liệu có thể cùng hợp tác để trước nhất là đạt đồng thuận về tân thủ tướng tương lai được hay không – và sau đó là về các chính sách mà họ có thể theo đuổi.
Canh bạc của Macron
CNN nhấn mạnh: Canh bạc của ông Macron đã thành công ngăn cản phe cực hữu lên nắm quyền nhưng có thể nó sẽ đẩy đất nước vào trạng thái hỗn loạn.
Vì không thể kêu gọi bầu cử nghị viện trong vòng 1 năm tới nên nhiều khả năng Pháp sẽ rơi vào một thời kỳ bất định, khi mà cả thế giới hướng về Paris để theo dõi nước này chuẩn bị đón chào Thế vận hội trong 3 tuần tới.
Với một nghị viện chia rẽ như vậy, Pháp không có hy vọng thực hiện được các cải cách cấu trúc lớn ở cấp độ trong nước, CNN nhận định. Điều tốt nhất mà phe cánh tả có thể hy vọng là các liên minh bỏ phiếu thông qua từng đạo luật riêng lẻ.
Theo CNN, cũng khó tưởng tượng được bộ sậu hiện tại của Pháp sẽ để cho nước này đóng vai trò như thế nào đối với Ukraine. Trước đây, ông Macron đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, trong khi Le Pen tuyên bố rằng đảng của bà sẽ ngăn chặn Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Pháp cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga và phản đối việc gửi quân đội Pháp tới Ukraine.
Phe cánh tả đã tương đối im lặng về vấn đề Ukraine - các đảng khác nhau từ liên minh có những quan điểm hơi khác biệt – France Unbowed phản đối những động thái mà họ gọi là "leo thang" với Nga.
Phe trung dung của ông Macron có vẻ chống đỡ khá tốt và giành được 163 ghế. Mặc dù mất khoảng 100 nghị sĩ, nhưng đây là kết quả tốt hơn nhiều so với các đề xuất từ những cuộc thăm dò ý kiến. Có điều, CNN cho rằng, dư luận sẽ chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ Điện Elysée sang Quốc hội Pháp.
Vì không có được đa số trong Quốc hội, ông Macron sẽ gặp khó khăn trong việc theo đuổi chương trình nghị sự của mình - do ông cần phiếu của các nghị sĩ để thực thi chính sách mặc dù việc đối đầu với các lực lượng đối lập không còn là chuyện lạ đối với ông.
Sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2022, ông Macron đã buộc phải làm việc với các đảng phái khác. Điều này đã khiến Macron đau đầu khi nỗ lực đẩy mạnh cải cách hệ thống hưu trí của Pháp. Ông đã buộc phải sử dụng Điều 49.3 trong hiến pháp nhiều lần - để có thể bỏ qua cuộc bỏ phiếu quốc hội, tiến tới thông qua các điều luật.