Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ gần đây đã đệ trình lên Quốc hội một báo cáo có tên "Lực lượng Vũ trang Nga: Khả năng". Báo cáo mô tả ngắn gọn sức mạnh quân sự hiện tại của Nga, bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu. Mục đích chính của báo cáo được cho là nhằm "phổ biến kiến thức" cho các nhà lập pháp Mỹ, những người “la hét và đòi tiêu diệt” Nga hàng ngày.
Nga sở hữu nhiều loại vũ khí tiên tiến hàng đầu thế giới. Nguồn: eastday.com.
Theo báo cáo, kể từ năm 2008, Nga đã tìm cách hiện đại hóa quân sự và đã thực hiện một số hoạt động quân sự bên ngoài biên giới. Chiến lược quốc phòng Mỹ 2018 đã nhấn mạnh việc ưu tiên cạnh tranh chiến lược dài hạn với Nga.
Báo cáo này được đưa ra với mục đích chính là để hỗ trợ các thành viên Quốc hội Mỹ đánh giá đúng khả năng của các lực lượng vũ trang Nga, từ đó ra quyết sách đối phó những thách thức từ Nga.
Theo báo cáo, dữ liệu chính thức của Nga cho thấy trung bình chi tiêu quân sự của Nga là từ 60 tỉ đến 65 tỉ USD hàng năm, chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng thực tế của Nga có thể còn cao hơn.
Báo cáo tin rằng, Nga ưu tiên chi tiêu quốc phòng dài hạn, điều này đã được nêu chi tiết trong Kế hoạch vũ khí quốc gia (GPV), thường xuyên được cập nhật theo chu kỳ 10 năm. GPV 2020 nhấn mạnh đến việc hiện đại hóa thiết bị quân sự của Nga, mục tiêu là hết năm 2020, tỷ lệ trang bị vũ khí hiện đại hóa của Quân đội Nga sẽ đạt 70%.
Cải cách quân sự của Nga nhấn mạnh đến việc tinh giản các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát. Quân đội Nga hiện được chia thành 4 quân khu (MD). Nga cũng đã thành lập một trung tâm chỉ huy trung ương ở Moscow hay còn gọi là Trung tâm chỉ huy quốc phòng.
Báo cáo cũng đưa ra đánh giá sơ lược về sức mạnh của Lục quân, Không quân, Hải quân, cùng lực lượng tác chiến đặc biệt và các nhóm tấn công trên không của Nga.
Theo báo cáo, trong thập kỷ qua, cùng với việc nâng cấp các đơn vị tác chiến điện tử, tên lửa và pháo binh hạng nặng, số lượng binh sĩ chuyên nghiệp được tuyển dụng đã tăng lên, và lực lượng mặt đất của Nga đã được cải thiện rất nhiều. Các ưu tiên của Lục quân Nga bao gồm, tăng cường khả năng trinh sát, khả năng liên lạc và trang bị đầy đủ cho lực lượng quân thường trực.
Báo cáo tin rằng, các lực lượng mặt đất của Nga nhấn mạnh đến tính cơ động và "tăng khả năng thực hiện các hoạt động nhanh trong thời gian ngắn nhưng phức tạp". Quân khu phía Tây của Nga là nơi tập trung nhiều vũ khí trang bị tiên tiến nhất, trong khi đó, Quân khu phía Nam là đơn vị có số lượng quân chính quy nhiều nhất.
Quân đội Nga đang đẩy mạnh phát triển lực lượng theo kết cấu hỗn hợp giữa sư đoàn và lữ đoàn. Các lữ đoàn chủ yếu được sử dụng trong các khu vực không có lợi cho hoạt động của các sư đoàn.
Báo cáo cho biết, tuyển mộ binh sĩ chuyên nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu. Lãnh đạo Quân đội Nga tin rằng, những người lính nhập ngũ sẽ không thể được đào tạo hiệu quả chỉ trong vòng 12 tháng, đây là lý do mà Nga có thời gian huấn luyện tân binh tương đối dài và chất lượng tân binh cũng khá cao so với mặt bằng chung của thế giới.
Mặc dù trong các đơn vị cơ động, lực lượng tân binh chỉ chiếm một phần quân số, nhưng lực lượng này hoàn toàn có thể đảm nhận được vai trò hỗ trợ. Kinh nghiệm của Nga ở Syria và các nơi khác một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của pháo binh, tên lửa và lực lượng thiết giáp quy mô lớn. Tuy nhiên, lực lượng mặt đất lại không phải là trọng tâm hiện đại hóa của Nga, hầu hết các hoạt động hiện đại hóa đều là nâng cấp các nền tảng hiện có.
Trong tiến trình hiện đại hóa Quân đội Nga, Không quân là lực lượng được ưu tiên cao nhất, đây cũng là lực lượng duy nhất được đầu tư các trang thiết bị hoàn toàn mới và tập trung nâng cấp các trang bị hiện, bao gồm tên lửa cải tiến và có khả năng tấn công chính xác. Ngoài ra, Nga cũng tăng thời gian huấn luyện bay của phi công.
Về phía Hải quân, lực lượng này được chia thành 4 hạm đội, gồm Hạm đội phương Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Baltic. Mục tiêu chính của Hải quân Nga là bảo vệ các lực lượng răn đe hạt nhân, chủ yếu là tàu ngầm của Nga. Bị giới hạn bởi tài nguyên và khả năng đóng tàu, Hải quân Nga tập trung vào việc phòng thủ bờ biển và có khả năng viễn chinh hạn chế.
Lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga chủ yếu tập trung ở Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Trong đó, Hạm đội phương Bắc được trang bị các thiết bị tiên tiến nhất và chịu trách nhiệm cho các hoạt động quân sự Bắc Cực và hướng chiến lược phía Bắc. Quy mô và khả năng của Hạm đội Biển Đen cũng đang không ngừng phát triển.