“Sự ủng hộ (dự luật) này là rất lớn, 100 (phiếu) tại Thượng viện. Tôi đang tưởng tượng tới viễn cảnh sẽ có sự từ chối. Tôi khuyến khích tổng thống nên ký” – Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Barrasso nói.
Theo Defense News, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không rõ ràng trong quan điểm đối với dự luật, đối lập với quyết tâm từ các thành viên Cộng hòa chủ chốt và cả Quốc hội Mỹ. Điều này cho thấy quan điểm về chính sách đối ngoại tại Washington có phần chia rẽ.
Khi được hỏi liệu có phủ quyết dự luật hay không, ông Trump không nói rõ. "Tôi sẽ nói với bạn rằng chúng ta phải sát cánh với Hong Kong nhưng tôi cũng đang đứng với Chủ tịch Tập. Điều quan trọng là phải đàm phán về thỏa thuận thương mại".
Ngoài Barrasso, các thượng nghị sĩ khác cùng đảng với ông Trump như Ted Cruz, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Jim Risch, cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ ký dự luật. Ông Cruz hôm thứ Sáu (22/11) còn tuyên bố nhấn mạnh dự luật đã được thông qua với đa số đủ để từ chối phủ quyết (veto-proof majority).
Quá trình từ chối sự phủ quyết của Tổng thống đối với một dự luật để thông qua dự luật đó sẽ yêu cầu hai phần ba số phiếu từ cả Thượng và Hạ viện. Tuy nhiên, trong lịch sử, Quốc hội Mỹ mới chỉ làm điều này với chưa đến 10% các phủ quyết.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông Robert O’Brien, từ chối nói ông có ký dự luật hay không. Nhưng ông cho biết: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu dự luật đó không sớm thành luật”.
Nếu ông Trump không ký dự luật trong vòng 10 ngày kể từ khi nó được Quốc hội thông qua, nó sẽ tự động trở thành luật ngày 3/12.
Dự luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong yêu cầu rà soát hàng năm mức độ tự chủ của Hong Kong trước các động thái can thiệp của Trung Quốc vào đặc khu này. Đó sẽ là căn cứ áp dụng các đặc quyền thương mại từ Washington với thành phố.
Bên cạnh đó, dự luật cũng bắt buộc có các lệnh trừng phạt đối với quan chức Hong Kong và Trung Quốc được cho là thực hiện hành vi xâm phạm nhân quyền.