Quốc hội Iran vừa định tung "quân bài hạt nhân" trả đũa Israel: Ông Rouhani bất ngờ đưa ra quyết định lạ

Tất Đạt |

Phát biểu tại cuộc họp nội các, ông Rouhani nói chính quyền của ông "không đồng ý với dự luật và lo ngại dự luật này sẽ làm tổn hại tới các hoạt động đối ngoại".

Các tướng lĩnh Iran dự đám tang của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: AP

Các tướng lĩnh Iran dự đám tang của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: AP

Ngày hôm nay (2/12), tổng thống Iran Hassan Rouhani đã từ chối thông qua một dự luật được quốc hội Iran trình lên. Theo dự luật này, Iran sẽ chấm dứt hoạt động giám sát của Liên Hợp Quốc và tiếp tục chương trình làm giàu uranium. Ông Rouhani cho rằng dự luật sẽ "gây tổn hại" tới nỗ lực ngoại giao nhằm hồi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và giảm bớt cấm vận từ Mỹ.

Tình hình căng thẳng quanh dự luật này cho thấy sự đối chọi giữa ông Rouhani - một người theo xu hướng ôn hòa - và các nhà lập pháp có quan điểm cứng rắn chiếm đa số quốc hội, với mong muốn có phương án đối đầu trực diện hơn với phương Tây. Dự luật nói trên đã được quốc hội Iran thông qua nhanh chóng sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran vào cuối tháng trước.

Nếu đạo luật mới có hiệu lực trong vòng 2 tháng, quốc hội Iran sẽ yêu cầu Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) sản xuất ít nhất 120 kg uranium làm giàu 20% thường niên và lưu trữ trong nước nếu các nước châu Âu không thể cung cấp những giải pháp hỗ trợ Tehran giảm bớt những áp lực từ cấm vận của Mỹ đối với ngành ngân hàng và dầu khí nước này. Mức làm giàu uranium này chưa đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng cao hơn ngưỡng cần thiết cho các mục đích dân sự.

Phát biểu tại cuộc họp nội các, ông Rouhani nói chính quyền của ông "không đồng ý với dự luật và lo ngại dự luật này sẽ làm tổn hại tới các hoạt động đối ngoại".

"Hiện tại, chúng ta mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực hạt nhân hơn bất kì thời điểm nào trước đây," ông nói.

Dự luật được cho là sẽ có ít ảnh hưởng bởi Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei là người có tiếng nói quan trọng nhất đối với tất cả các chính sách lớn, bao gồm những thứ liên quan tới chương trình hạt nhân. Thay vào đó, dự luật dường như nhằm thể hiện sự thách thức sau khi Mohsen Fakhrizadeh, một nhân vật chủ chốt trong chương trình hạt nhân của Iran, bị sát hại trong một cuộc tấn công mà phía Iran cho rằng Israel là thủ phạm.

Israel và phương Tây đã cáo buộc chương trình hạt nhân do ông Fakhrizadeh dẫn đầu là một chiến dịch quân sự nhằm xây dựng vũ khí hạt nhân. Dù IAEA cho rằng chương trình hạt nhân này đã kết thúc vào năm 2003, Israel vẫn cáo buộc Iran tiếp tục ấp ủ việc phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các công nghệ khác. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Mỹ đã áp thêm một loạt các cấm vận lên Iran sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018. Đáp lại, Iran đã công khai làm giàu uranium vượt giới hạn trong khi khẳng định sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ cũng làm như vậy.

Ông Rouhani - một trong những nhân tố quan trọng gây dựng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới - cho biết ông mong muốn đưa Iran quay trở lại thỏa thuận này. Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng thể hiện thiện ý đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tại phiên họp Quốc hội Iran ngày 1/12, 251 trong số 260 nghị sĩ đã bỏ phiếu đồng ý với cương lĩnh của một dự luật, mà nếu được thông qua, sẽ yêu cầu chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani đình chỉ thêm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - có tên đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại