Với 92,34% ĐBQH tương đương 446/458 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiều 17/6, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Trước đó, trong dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", một số ý kiến tán thành cấm hình thức này.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để QH xem xét, quyết định.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, UB Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH và đa số ý kiến ĐBQH tán thành quy định cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ".
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định như Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi.
Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Trước đó, thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Luật Đầu tư sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021.