Sáng 6/11, phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình làm việc, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, từ 6/11 đến hết sáng ngày 8/11.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh Như Ý
Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.
“Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành. Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chất vấn bốn nhóm lĩnh vực
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chất vấn, vừa đảm bảo tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, thuận lợi cho cả đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp nội dung chất vấn thành bốn nhóm lĩnh vực, cụ thể:
Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (chất vấn trong khoảng 150 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (chất vấn trong khoảng 190 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực: Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường.
Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp (chất vấn trong khoảng 180 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.
Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (chất vấn trong khoảng 190 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn. Ảnh Như Ý
Sau khi thực hiện chất vấn theo nhóm các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết luận phiên chất vấn. Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tiến hành sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn với 923 lượt đại biểu tham gia chất vấn tại 4 kỳ họp Quốc hội và 4 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đây, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bức xúc về kinh tế - xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết.
Tại phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn. Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại.
Đối với các thành viên Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.