Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Nga vừa tham dự LIMA 2017 - một trong những triển lãm lớn nhất về Hàng hải và hàng không quốc tế ở Đông Nam Á diễn ra từ ngày 21-25/03/2017 tại Malaysia.
Với kỳ vọng giành được nhiều hợp đồng vũ khí lớn với những khách hàng cả thân thiết và khách hàng mới, các doanh nghiệp Nga đã đưa tới giới thiệu tại Triển lãm hàng loạt vũ khí hiện đại, nhất là những dòng máy bay tiêm kích Su-30SM và Su-35.
Đội bay biểu diễn Hiệp sĩ Nga đã hoàn thành xuất sắc vài trò đại sứ thương hiệu khi đưa những chiếc Su-30SM mới tinh trình diễn các bài bay đẳng cấp cao nhất, phô diễn hết mọi tính năng tuyệt hảo của dòng máy bay tiên kích đa năng đang được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Tiêm kích Su-30SM thuộc Đội bay biểu diễn Hiệp sĩ Nga. Ảnh: TTVN
Quốc gia X là...
Liệu có quốc gia nào ở Đông Nam Á sẽ đưa Su-30SM vào "tầm ngắm hay không? Khả năng là có. Nếu giả định khách hàng là một quốc gia X bất kỳ nào đó thì Malaysia đứng số 1 - vị trí tiềm năng nhất.
Đơn giản là vì trước đó họ đã bày tỏ sự quan tâm trang bị thêm phi đội Su-30 thứ 2 cho Không quân của mình. Được biết, mỗi phi đội MiG-29 hoặc Su-30 của Malaysia thường có biên chế ban đầu là 18 chiếc, tương đương 1 trung đoàn.
Tiếp theo, quốc gia X cũng có thể là Indonesia cho dù nước này đã bày tỏ quyết tâm đặt mua tiêm kích Su-35 thế hệ 4++. Vì quốc gia vạn đảo này có vùng biển rộng lớn, nên dường như họ vẫn cần thêm các loại tiêm kích đa năng 2 người lái như Su-30MK2 (đã mua) hoặc Su-30SM.
Tiếp nữa có thể là Thái Lan - vốn chưa thực sự hài lòng với JAS-39, nhất là sau vụ tai nạn mới đây. Họ cũng đã làm quen với một số loại vũ khí, khi tài hiện đại của Nga nên đương nhiên không phải là khách hàng xa lạ gì với quốc gia đứng số 2 Thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Tiêm kích Su-30MK2 của Indonesia.
Ngoài ra còn có một vài quốc gia Đông Nam Á khác cũng nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng đối với tiêm kích Su-30SM. Các nước này đều là khách hàng đã và đang sử dụng một lượng lớn vũ khí, khí tài có xuất xứ từ Nga/Liên Xô.
Chính vì thế, việc Nga đưa "ngôi sao" Su-30SM (Su-30SME) giới thiệu tại LIMA 2017 là có chủ đích và hoàn toàn hợp lý.
Mua 2 phi đội (trung đoàn) Su-30SM hết bao nhiêu?
Giả sử quốc gia X quyết định đặt mua Su-30SM với số lượng 36 chiếc, tương đương với 2 phi đội (trung đoàn) thì họ sẽ phải chi bao nhiêu tiền?
Con số rất dễ tính, nếu căn cứ vào hợp đồng Kazakhstan đã mua 4 Su-30SM theo hợp đồng ký năm 2014 trị giá khoảng 5 tỷ Rub. Quy đổi theo tỷ giá giữa đồng Rub và USD tại thời điểm đó, có thể thấy 4 chiếc Su-30SM này có giá vào khoảng 280 triệu USD hay 70 triệu USD/chiếc.
Với giá tham khảo như trên, 36 chiếc Su-30SM sẽ có tổng giá trị vào khoảng 2,5 tỷ USD. Nếu thanh toán bằng tiền mặt thì quả rất dễ dàng, "tiền trao, cháo múc".
Tiêm kích Su-30SME được Nga giới thiệu tại Triển lãm LIMA 2017.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia Đông Nam Á lại có "truyền thống" đổi hàng lấy vũ khí như Malaysia đổi dầu mỏ, dầu cọ; Thái Lan đổi gạo, thịt gà. Indonesia cũng vậy, các hợp đồng mua vũ khí tới đây họ cũng sẽ cân nhắc việc áp dụng phương thức này, dầu mỏ là một ưu tiên...
Và trên thế giới, chuyện "đổi dầu lấy lương thực" hay "đổi dầu lấy vũ khí" xảy ra khá thường xuyên nên chúng ta cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu quốc gia X nào đó chọn đổi dầu lấy tiêm kích Su-30SM.
Theo cập nhật mới nhất, giá dầu thô Brent ngày 05/04 dao động quanh mức 53 USD/thùng. Như vậy, nếu muốn mua 2 phi đội với tổng cộng 36 chiếc Su-30SM họ sẽ phải đổi gần 50 triệu thùng dầu thô tương đương với 2,5 tỷ USD.
Lưu ý, đơn giá cho mỗi chiếc Su-30SM có thể còn cao hơn 70 triệu USD, nhất là với những quốc gia chưa hề khai thác, sử dụng vũ khí Nga nên cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo con người đồng bộ khá tốn kém khi không tận dụng được các trang thiết bị và nhân lực sẵn có.