Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022 này được cựu Tổng thống Ernest Bai Koroma thông qua hồi tháng 3/2018.
Quyết định của Sierra Leone được đưa ra trong bối cảnh Pakistan và Malaysia thời gian gần đây liên tục trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng quy mô lớn hợp tác với Trung Quốc.
Nhưng Sierra Leone là quốc gia châu Phi đầu tiên tuyên bố hủy bỏ một thỏa thuận lớn được Bắc Kinh đầu tư.
"Sau khi xem xét một cách nghiêm túc, chính phủ tin rằng sẽ không kinh tế nếu xây dựng sân bay mới khi mà sân bay hiện tại vẫn có thể cải tạo được", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Hàng không Sierra Leone Kabineh Kallon cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hôm 10/10, vị bộ trưởng này nói thêm rằng chính phủ sẽ cung cấp tiền để cải tạo lại sân bay hiện tại.
Hiện không rõ Sierra Leone có chịu thiệt hại về tài chính nào sau quyết định ngừng dự án với Trung Quốc hay không.
Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá là có nguy cơ sẽ phải gánh các khoản nợ lớn.
Dưới thời cựu Tổng thống Koroma, người tại nhiệm từ tháng 9/2007 tới tháng 4/2018, quốc gia này đã nợ Trung Quốc tới 224 triệu USD, 161 triệu USD trong số này vay vào năm 2016 theo Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi Johns Hopkins SAIS.
Tân Tổng thống Julius Maada Bio lên nắm quyền vài tháng trước sau một bầu cử cạnh tranh gay gắt và từ đó bắt đầu đánh giá các cam kết tài chính của người tiền nhiệm.
Theo bà Lina Benabdallah, chuyên gia phân tích chính trị từ Đại học Wake Forest, North Carolina, Mỹ thỏa thuận xây dựng sân bay mới đã gây ra tranh cãi thời gian qua. Một trong các lý do là sự thiếu minh bạch trong các điều khoản đầu tư.
Tập đoàn đường sắt Trung Quốc được nhà nước bảo trợ, một nhà thầu xây dựng giàu kinh nghiệm về cầu và đường cao tốc trên khắp châu Phi đã ký hợp đồng xây dựng sân bay quốc tế mới ở Sierra Leone với nguồn tài trợ tới từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc.
Sierra Leone tới đây sẽ nâng cấp lại sân bay hiện tại ở thị trấn Lungi, vốn bị chỉ trích vì khả năng kết nối kém với thủ đô. Sân bay này bị ngăn cách với thủ đô bởi một cửa sông nên các du khách muốn tới Freetown buộc phải di chuyển qua phà.
Theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi, các nước châu Phi đang nợ Trung Quốc khoảng 130 tỷ USD. Các khoản vay này chủ yếu được sử dụng để xây dựng các dự án giao thông, điện và khai thác mỏ.
Tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC) đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo sẽ cấp thêm một gói viện trợ, đầu tư và cho vay trị giá 60 tỷ USD cho các quốc gia ở lục địa này bất chấp lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng nợ nần, ít có khả năng hoàn trả của nhiều quốc gia.
Vào tháng 8/2018, 16 thượng nghị sỹ Mỹ trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo Trung Quốc đang tạo ra các khoản nợ không bền vững ở các nước đang phát triển. Phần lớn số nợ này được cho là để hỗ trợ sáng kiến Vành đai của Con Đường của Bắc Kinh.
Không chỉ có Mỹ, nhiều nước cũng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đang áp dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ, lợi dụng các khoản vay để đổi lấy các lợi ích chính trị.
Trong năm 2010, Bắc Kinh đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào một cảng biển ở Sri Lanka. Khi Sri Lanka không thể trả nợ, nước này đã cho một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc thuê cảng trong hơn 90 năm.