Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế (OECD), gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đóng góp thêm 3 điểm phần trăm cho tăng trưởng của quốc gia này trong năm nay.
Cũng nhờ khoản tiền khổng lồ trên mà tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 5,6% trong năm nay, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tỷ lệ này được dự báo là 4% vào năm 2022.
Dự báo tăng trưởng của OECD trước và sau gói cứu trợ của Tổng thống Biden
Đối với nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, họ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay nhờ gói cứu trợ lớn, cao hơn gấp đôi so với dự báo trước đó. Tổ chức OECD đánh giá gói cứu trợ mới của Tổng thống Biden sẽ giúp tăng GDP của Mỹ bình quân 3-4% trong năm đầu tiên cũng như giúp tăng trưởng kinh tế thế giới thêm được 1%.
Những quốc gia khác cũng sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,8% còn khu vực đồng Euro tăng trưởng 3,9%.
Đáng tiếc là trong số những nền kinh tế lớn, Pháp và Italy là 2 quốc gia không được hưởng lợi nhiều từ gói cứu trợ của Mỹ khi GDP vẫn chỉ tăng trưởng tương ứng 5,9% và 4,1%, không thay đổi gì so với dự báo trước đó. Hai nước này cũng là quốc gia triển khai tiêm vaccine chậm nhất tại châu Âu.
Theo OECD, nền kinh tế toàn cầu vào giữa năm 2021 sẽ vượt mức trước khi đại dịch diễn ra nhờ chiến dịch tiêm chủng cũng như các gói cứu trợ lớn như của Mỹ. Chi phí lãi vay và giá dầu tại Mỹ đã xuống như thời trước đại dịch trong những tuần gần đây và gửi tín hiệu tốt đến thị trường toàn cầu.
Như một hệ quả tất yếu, lạm phát tăng trở lại sẽ khiến các ngân hàng trung ương giảm những khoản hỗ trợ cũng như nới lỏng chính sách kích thích kinh tế khi tình hình ổn định trở lại.
Nền kinh tế Mỹ vào giữa năm 2021 sẽ hồi phục lại như trước khi đại dịch diễn ra.
Theo tờ Financial Times, tổng giá trị chương trình cứu trợ của Tổng thống Biden tương đương với 8,5% tổng thu nhập của cả nước và sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nhiều quốc gia. Các chuyên gia cho rằng những láng giềng như Mexico và Canada là các nền kinh tế được hưởng lợi trước tiên do giao thương nhiều với Mỹ. Tiếp đó, những nền kinh tế xuất khẩu nhiều tại Đông Á sẽ thu lợi lớn khi khách hàng chủ chốt như Mỹ hồi phục nhanh nhu cầu trở lại.
Đối với những nền kinh tế lớn, việc Mỹ tung gói cứu trợ khổng lồ cũng là một tin tốt khi chúng gia tăng cơ hội nhận được đầu tư từ nước ngoài cũng như các hợp đồng mới.
Tờ Economist cho biết với khoản cứu trợ 1.900 tỷ USD mới này, Mỹ đã chi tổng cộng 6 nghìn tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra và đây là giai đoạn chi nhiều tiền chưa từng thấy của nước này kể từ khủng hoảng 2008.
Xin được nhắc là Mỹ sẽ đổ đến 2,5 nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng với lãi suất cơ bản hiện nay gần như bằng 0%.
Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ thời gian gần đây đã có những dấu hiệu tích cực khi doanh số bán lẻ tháng 1/2021 cao hơn 7,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ các khoản cứu trợ của chính phủ. Việc người dân không chi tiêu đã khiến họ tích lũy tới 1,6 nghìn tỷ USD trong năm vừa qua và đây là mỏ vàng lớn cho các doanh nghiệp.
Theo Economist, nếu chương trình tiêm chủng của Mỹ tiến hành thuận lợi và không có biến cố gì diễn ra, khoản cứu trợ của Tổng thống Biden sẽ giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống dưới 5% vào cuối năm nay.
Cảnh báo
Tuy nhiên gói cứu trợ của Tổng thống Biden cũng đem lại những thách thức không hề nhỏ. Đổ thêm tiền vào nền kinh tế kích thích nhu cầu sẽ thúc đẩy lạm phát và làm gia tăng lãi suất trở lại. Đây là một tin xấu với những doanh nghiệp hay nền kinh tế vay nợ quá nhiều như Nhật Bản hay Trung Quốc. Thậm chí Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã tỏ ra lo ngại chi phí vay nợ gia tăng sẽ làm giảm hiệu quả của các gói kích thích kinh tế trong khu vực này.
Những nước nghèo cũng sẽ gặp tổn thất khi họ phải vay nợ rất nhiều trong mùa dịch. Lãi suất tăng sẽ khiến họ gặp khó trong việc chi trả. Hơn nữa việc nền kinh tế hồi phục mạnh, ngân hàng nâng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá và làm tổng giá trị khoản nợ cao hơn so với ban đầu đối với những nước vay bằng ngoại tệ.
Bởi vậy, OECD cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ như tiền lệ đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tại Mỹ, việc tung gói cứu trợ kích thích nhu cầu cũng có mặt trái khi nền kinh tế này đang thâm hụt thương mại cao hơn 50% so với thời điểm trước đại dịch do nhập siêu. Ngoài ra Mỹ hiện vẫn mất tới 9,5 triệu việc làm so với thời điểm trước dịch và gói cứu trợ mới sẽ còn chặng đường dài phải đi để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Tờ Economist cho rằng gói cứu trợ mới như một canh bạc của Tổng thống Biden khi cố giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng lạm phát thấp, lãi suất khó nâng như những gì đang diễn ra tại Nhật Bản và Châu Âu dù 2 khu vực này cũng đã tung nhiều tiền vào cứu thị trường.
Nếu thành công, Mỹ sẽ vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 nhanh chóng và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trở lại. Bằng không, nền kinh tế số 1 này sẽ ngập thêm trong nợ nần và cái bẫy lạm phát như Nhật Bản và Châu Âu đang trải qua.