Quốc gia nào dám cứng rắn đòi Nga trả lại lãnh thổ từ thời Liên Xô?

Đức Trí |

Hiện nay có một quốc gia Bắc Âu công khai yêu cầu Nga trả lại lãnh thổ, biện pháp của quốc gia này còn cứng rắn hơn Nhật Bản, thậm chí còn tuyên bố nếu Nga không trả lại lãnh thổ, nước này sẽ làm cho Nga “trả giá đắt”.

Nga là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất trên thế giới, đa số lãnh thổ của Nga có được chủ yếu đều thông qua các cuộc chiến tranh để giành giật. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga ngoại trừ việc trả lại cho Trung Quốc gần 200 km2 lãnh thổ, thì không trả lại lãnh thổ cho bất cứ quốc gia nào khác.

Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu Nga trả lại vùng Lãnh Thổ Phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Kuril) nhưng đều bị Nga từ chối. Hiện nay lại có một quốc gia khác công khai yêu cầu Nga trả lại lãnh thổ, biện pháp của quốc gia này còn cứng rắn hơn Nhật Bản, thậm chí còn tuyên bố nếu Nga không trả lại lãnh thổ, nước này sẽ làm cho Nga "trả giá đắt".

Trong lịch sử, vùng Lãnh thổ phương Bắc thuộc về Nhật Bản, trong Thế chiến II, Liên Xô đã điều động lực lượng chiếm giữ bốn hòn đảo phía bắc này. Cho đến nay Nga vẫn không trả lại khu vực này cho Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần yêu cầu Nga, thậm chí còn điều động nhiều tàu chiến đến diễn tập ở khu vực này và hợp tác chặt chẽ với Mỹ nhằm gia tăng áp lực, buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán, nhưng tất cả cố gắng của Nhật Bản đều vô vọng.

Estonia đã công khai đòi lại lãnh thổ từ Nga, thậm chí còn áp dụng phương pháp cứng rắn hơn Nhật Bản. Nguồn: Sohu.

Là một quốc gia Bắc Âu, Estonia tiếp giáp với Liên bang Nga về phía Đông, giáp với Latvia về phía Nam, giáp với vịnh Phần Lan về phía Bắc và giáp với biển Baltic về phía Tây, quốc gia này đã công khai đòi lại lãnh thổ từ Nga, thậm chí còn áp dụng phương pháp cứng rắn hơn Nhật Bản.

Hành động của Estonia khiến giới phân tích phải đặt câu hỏi: Tại sao Estonia nhỏ bé lại có đủ can đảm để cứng rắn đòi lại lãnh thổ của Nga?

Diện tích của Estonia là 45.227 km2, năm 1920, người Estonia chiếm Yamburg và Pskov. Cũng trong năm này, Nga và Estonia đã ký hiệp ước hòa bình Tartu về công nhận lẫn nhau. Theo Hiệp ước Hòa bình Tartu, trong thành phần của Estonia độc lập bao gồm Ivangorod, Izborsk, Pechory, Kingisepp và giáo xứ Narva mới thành lập.

Tuy nhiên, vào năm 1939-1940, Estonia đã trở thành một trong những nước cộng hòa Xô viết, gia nhập Liên Xô. Biên giới trong khu vực được vẽ lại liên tục. Một lần nữa, Izborsk được nhập vào vùng Pskov, Ivangorod và Kingisepp nhập vào vùng Leningrad của Nga. Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng, Hiệp ước Hòa bình Tartu đã hết hiệu lực sau khi Estonia gia nhập Liên Xô.

Quốc gia nào dám cứng rắn đòi Nga trả lại lãnh thổ từ thời Liên Xô? - Ảnh 2.

Giới chức Estonia sử dụng Hiệp ước Hòa bình Tartu đã hết hiệu lực để đòi lại 5% lãnh thổ từ Nga. Nguồn: Sohu.

Thời gian gần đây, giới lãnh đạo Estonia đã công khai tuyên bố rằng, Nga phải trả lại cho nước này 5% lãnh thổ.

Không chỉ đòi lại lãnh thổ, Bộ Tư pháp Estonia cũng đã từng yêu cầu Nga phải thay mặt cho Liên Xô bồi thường các thiệt hại đối với nước này do chế độ Xô viết mang lại như: 49.500 người là nạn nhân của sự đàn áp, 24.100 người đã chết trong Thế chiến II và 139.400 người buộc phải rời khỏi Estonia vì mất khu vực Pechersk.

Với việc được NATO và Mỹ chống lưng, Estonia đã nhiều lần đòi lại lãnh thổ của Nga, về phía Nga, Chính phủ Nga đã "phớt lờ" các yêu sách của Estonia, điều này làm một số quan chức cấp cao trong chính phủ Estonia "bất mãn" và khẳng định, Nga sẽ phải trả một giá đắt nếu không trả lại lãnh thổ cho Estonia.

Để gia tăng sức ép với Nga trong vấn đề lãnh thổ, cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves từng lấy danh nghĩa "thành viên NATO" để lớn tiếng đe dọa sẽ tấn công các thành phố lớn của Nga như St. Petersburg, Omsk và Tomsk.

Giới chuyên gia Estonia cũng kêu gọi chính phủ Estonia cần trang bị các tên lửa có tầm bắn tới thành phố St. Petersburg của Nga, đồng thời phát triển hạm đội hải quân có thể đánh chìm những tàu thuyền thương mại có lộ trình tới các cảng biển của Nga.

Các chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh tình hình chính trị toàn cầu bất ổn hiện nay, việc trang bị tên lửa sẽ giúp Tallinn có lợi thế để kiềm chế các tham vọng của Moscow.

Quốc gia nào dám cứng rắn đòi Nga trả lại lãnh thổ từ thời Liên Xô? - Ảnh 4.

Estonia thậm chí còn công khai đe dọa sử dụng vũ lực với Nga để gia tăng sức ép trong vấn đề lãnh thổ. Nguồn: Sohu.

Theo giới quan sát, yêu sách và những lời đe dọa của Estonia thực tế chỉ là một cuộc "khẩu chiến" với Nga. Mỹ và NATO sẽ không vì 2.000 km2 lãnh thổ trong yêu sách của Estonia mà trực tiếp đối đầu với Nga, đây là hành động "được không bằng mất".

Estonia cũng rất rõ ràng điều này, vì vậy mục đích trong hành động của nước này chỉ là nhằm "đắp nặn" một Nga "bá quyền" trên thế giới, sẵn sàng sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác.

Qua đó, tiếp tục gây chia rẽ giữa Nga và Ukraine trong vấn đề bán đảo Crimea, cũng như vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Đối với các quốc gia chống Nga, hành động của Estonia được các nước này nhiệt tình ủng hộ để "gieo hạt giống nghi ngờ" vào lòng dư luận quốc tế, từ đó thổi phồng lên mối đe dọa Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại