Theo Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal), vài giờ sau khi Mỹ triển khai không kích đoàn xe chở Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani gần sân bay Baghdad (Iraq), chính quyền Tổng thống Donald Trump ngay lập tức gửi một thông điệp qua kênh liên lạc bí mật tới Tehran với nội dung "Đừng leo thang".
Giới chức Mỹ cho biết bức điện tín mã hóa được gửi tới Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran là một trong những phương tiện liên lạc trực tiếp bí mật giữa hai bên.
Tiếp những ngày sau đó, Nhà Trắng và giới lãnh đạo Iran đã trao đổi thêm nhiều thông điệp, mà giới chức của hai quốc gia mô tả là mềm mỏng hơn những quan điểm cứng rắn được các nhà chính trị công khai.
Một tuần sau, Iran đáp trả bằng một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào hai căn cứ mà quân Mỹ đồn trú tại Iraq nhưng không gây thương vong. Tại thời điểm đó, Washington và Tehran dường như đang muốn bước lùi khỏi bờ vực chiến tranh.
“Chúng tôi không liên lạc với phía Iran nhiều như vậy, nhưng một khi đã làm, thì Thụy Sĩ đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin để tránh hiểu lầm”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên tiết lộ.
Người phát ngôn của phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc từ chối bình luận về thông tin kênh bí mật trên, song người này cũng khẳng định “chúng tôi đánh giá cao Thụy Sĩ về những nỗ lực cung cấp một kênh hiệu quả để trao đổi thư từ khi cần thiết”.
Vai trò của Thụy Sĩ như một bên trung gian hòa giải ngoại giao trải dài suốt 4 thập niên và 7 đời tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng họ chưa bao giờ gặp thách thức như trong bối cảnh hiện nay.
Bức điện tín mã hóa đầu tiên mà Mỹ gửi cho Iran ngay sau vụ không kích mang nội dung xác nhận Thiếu tướng Soleimani thiệt mạng. Bức điện này được gửi tới một máy fax trong Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Tehran. Chiếc máy fax này liên kết với Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ở Bern và Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Washington. Chỉ có những quan chức cấp cao nhất mới sở hữu thẻ mã hóa kích hoạt máy fax.
Ngay sau khi nhận được điện tín từ Mỹ, Đại sứ Thụy Sĩ Markus Leitner – có 53 năm kinh nghiệm làm ngoại giao – đã đích thân trao tận tay Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào sáng 3/1. Những ngày sau đó, Đại sứ Leitner như một “con thoi” đảm nhiệm sứ mệnh ngoại giao để thiết lập một kênh liên lạc cho hai bên có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau.
“Khi căng thẳng với Iran leo thang, Thụy Sĩ đã đóng một vai trò hữu ích và đáng tin cậy mà cả hai bên đều đánh giá cao. Hệ thống của họ giống như một thứ ánh sáng không bao giờ lụi tàn”, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cho hay.
Kể từ năm 1980, Thụy Sĩ trở thành người đưa tin giữa Washington và Tehran, sau khi xảy ra vụ các sinh viên tham gia cách mạng Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hàng chục nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin.
Trong những năm sau đó khi Mỹ tiến hành xâm lược Iraq, những nhà ngoại giao Thụy Sĩ cũng góp phần giúp hai bên tránh các cuộc đụng độ trực tiếp. Đến thời Tổng thống Barack Obama, chính Thụy Sĩ cũng đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán kéo theo một thỏa thuận hạt nhân được hình thành.
Theo các cựu đại sứ Thụy Sĩ, kênh ngoại giao bí mật này đạt được hiệu quả vì Mỹ và Iran hoàn toàn tin tưởng thông tin gửi qua đây được giữ bí mật, truyền tải nhanh chóng và chỉ đến tay những người cần nhận. Các thông tin được truyền tải qua kênh luôn chính xác, mang tính ngoại giao và không bị tình cảm chi phối.
Hiện, các nhà ngoại giao Thụy Sĩ đang nỗ lực thuyết phục Washington "bật đèn xanh" cho các ngân hàng nước này viện trợ thuốc men và thực phẩm cho Iran.