Quốc gia giáp Trung Quốc đầu tư 9 tỷ USD xây dựng “siêu công trình” lớn nhất châu Á

Minh Hằng |

Công trình 9 tỷ USD được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục hàng lang thương mại từ quốc gia này tới châu Âu.

Công trình đường bộ được nhìn thấy ở Mumbai (Ấn Độ), cách cảng nước sâu mới được đề xuất tại Vadhavan khoảng 100km về phía nam. Ảnh: Reuters

Công trình đường bộ được nhìn thấy ở Mumbai (Ấn Độ), cách cảng nước sâu mới được đề xuất tại Vadhavan khoảng 100km về phía nam. Ảnh: Reuters

Theo SCMP, Ấn Độ đang đặt cược 9 tỷ USD vào việc khôi phục hành lang thương mại mang tính chuyển đổi sang châu Âu, khi công bố kế hoạch xây dựng một trong những siêu cảng lớn nhất thế giới.

Cụ thể, siêu cảng nước sâu trị giá 9 tỷ USD hiện đang được xây dựng ở Vadhavan, bang Maharashtra, thuộc miền Tây Ấn Độ. Công trình này sẽ là một phần không thể thiếu của Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông – Châu Âu (IMEC).

Quốc gia giáp Trung Quốc đầu tư 9 tỷ USD xây dựng “siêu công trình” lớn nhất châu Á- Ảnh 1.

Siêu cảng nước sâu của Ấn Độ dự kiến hoàn thành vào năm 2036 và sẽ tạo ra 1,2 triệu việc làm. Ảnh: Reuters

Sau khi hoàn thành vào năm 2036, siêu cảng nước sâu của Ấn Độ sẽ được xếp hạng là một trong số 10 cảng lớn nhất trên toàn cầu và lớn nhất châu Á. Siêu cảng được kỳ vọng sẽ kết nối Ấn Độ với châu Âu bằng những tuyến đường biển, đường sắt tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arab Saudi, Jordan và Israel.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả rằng, dự án siêu cảng nước sâu là một phần không thể thiếu của Hành lang IMEC, đồng thời đóng vai trò cửa ngõ đối với Hành lang Vận tải Bắc - Nam quốc tế (INSTC). Sau khi hoàn thành, siêu cảng Vadhavan dự kiến sẽ tạo ra 1,2 triệu việc làm cũng như giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa đường dài.

Siêu cảng mang lại nhiều cơ hội lớn cho Ấn Độ

Bà Sreeradha Dutta, Giáo sư quan hệ quốc tế ở ĐH Toàn cầu Jindal tại Ấn Độ, nhận định rằng siêu cảng mới của Ấn Độ có tiềm năng rất lớn và có thể trở thành cửa ngõ thương mại nhộn nhịp của quốc gia này với châu Âu cũng như khu vực vùng Vịnh. Ngoài ra, siêu cảng mới sẽ hỗ trợ đắc lực cho Hành lang IMEC, đặc biệt là mục tiêu đưa xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ lên mức tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

"Tôi rất lạc quan về điều này, bởi vì thành tích của Ấn Độ trong việc thực hiện những dự án như vậy đang được cải thiện", Giáo sư Sreeradha Dutta chia sẻ.

Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, từ lâu Ấn Độ đã nỗ lực phát triển những hành lang thương mại mới đến châu Âu, để tránh sự phụ thuộc vào mạng lưới cảng do Trung Quốc hiện đang điều phối trên khắp Nam Á và Trung Đông.

Quốc gia giáp Trung Quốc đầu tư 9 tỷ USD xây dựng “siêu công trình” lớn nhất châu Á- Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lắng nghe Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố Hành lang IMEC trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9/2023. Ảnh: SCMP

Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định, Hành lang IMEC phù hợp với nỗ lực của Ấn Độ với mục đích thu hút các công ty toàn cầu như Apple, Tesla tìm kiếm các giải pháp thay thế cho thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, thực tế đã chứng minh khả năng của Ấn Độ trong việc phát triển đường cao tốc, sân bay hiện đại và những cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Điều này cho thấy quốc gia này có khả năng thực hiện thành công dự án siêu cảng đầy tham vọng.

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, việc triển khai hành lang IMEC sẽ vấp phải một số rào cản về địa chính trị, nhất là căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực Trung Đông, khiến cho việc tiến hành triệu tập hội nghị gồm tất cả các bên gần như không thể thực hiện được. Theo các nhà phân tích, sẽ mất từ 1 – 2 năm trước khi tất cả các đối tác sẵn sàng thảo luận về dự án này.

Mặt khác, theo ông Manoj Joshi ở tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation của Ấn Độ, thử thách thực sự của IMEC sẽ là liệu các quốc gia chủ chốt như UAE và Arab Saudi có phát triển về cơ sở hạ tầng đường sắt dọc theo tuyến hành lang mà Ấn Độ đề xuất không.

Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) bắt đầu được đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 9/2023 ở New Delhi. Theo tờ Times of India, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định Hành lang IMEC sẽ trở thành nền tảng của thương mại thế giới trong hàng trăm năm tới.

Ông Narendra Modi so sánh IMEC với "con đường tơ lụa", một mạng lưới tuyến đường thương mại cổ xưa đa được Ấn Độ sử dụng khi nước này còn là một cường quốc thương mại thịnh vượng.

Bài tham khảo nguồn: SCMP, Times of India

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại