Cụ thể, ông Andrey Kapustin - giám đốc điều hành của Aviastar-SP - một công ty con trực thuộc Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) đã nói với hãng thông tấn RIA Novosti như sau:
"Chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu đối với dòng máy bay vận tải hạng nặng này. Những thành viên thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS), các quốc gia Đông Nam Á và cả châu Phi đã bày tỏ sự quan tâm của mình. Đó là lý do khiến triển vọng của Il-76 trở nên rất sáng sủa".
Máy bay vận tải quân sự hạng nặng Il-76
Mặc dù ông Kapustin không tiết lộ cụ thể quốc gia nào ở Đông Nam Á muốn đặt mua biến thể mới nhất của Il-76, tuy nhiên phiên bản Il-76-MD-90A vẫn được xem là một ứng viên sáng giá cho Lực lượng đổ bộ đường không của Việt Nam, bên cạnh C-130J của Mỹ.
Nếu chúng ta có ý định xây dựng binh chủng đặc biệt tinh nhuệ này theo mô hình của Nga, bằng việc trang bị cả các loại xe thiết giáp nhảy dù thì Il-76 sẽ là phương tiện không thể thiếu, do C-130J Hercules có năng lực chuyên chở kém hơn nhiều.
Tuy rằng chi phí khai thác của dòng Il-76 lớn hơn C-130 nhưng đơn giá chênh lệch không nhiều, và lại có thời hạn phục vụ lên tới 30.000 giờ bay.
Vì vậy Việt Nam có thể tính tới phương án trang bị đại trà C-130J Super Hercules làm xương sống cho Bộ đội đổ bộ đường không, còn Il-76-MD-90A sẽ được mua sắm số lượng nhỏ để giữ vai trò chủ lực, phục vụ các cuộc chuyển quân lớn, đòi hỏi thời gian triển khai nhanh.
Il-76-MD-90A - Phiên bản nâng cấp mới nhất của Il-76
Il-76-MD-90A (hay còn được gọi bằng cái tên Il-476) là phiên bản hiện đại hóa sâu của Il-76, máy bay được lắp đặt hệ thống thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu đề ra cho một chiếc vận tải cơ hiện đại, giúp cải thiện mức độ an toàn cũng như khả năng hoạt động chính xác.
Nhờ động cơ PS-90A-76 mạnh mẽ mà Il-476 có khả năng mang tải tới 60 tấn hoặc chuyên chở 145 - 225 lính dù, tốc độ tối đa 850 km/h, tầm hoạt động 8.500 km. Ngoài ra, cánh và càng đáp cũng được cải tiến để tăng hiệu suất vận hành cho máy bay.