Quốc gia Đông Nam Á khiến Ấn-Trung ra sức lấy lòng: Điều làm Bắc Kinh "mất điểm"?

Thúy |

Tờ Eurasian hôm 7/10 đưa tin, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực thông qua Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) đã và đang gặt hái được nhiều lợi ích.

Với các cảng đã xây dựng gồm Gwadar (Pakistan) và Hambantota (Sri Lanka), Trung Quốc có thể sử dụng những căn cứ này để gây sức ép lên Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang leo thang từ những bất đồng ở biên giới.

Ấn Độ - Trung Quốc đối đầu từ biên giới tới Myanmar

Ngoài những khoản đầu tư lớn vào các nước như Pakistan, Sri Lanka và Maldives, Bắc Kinh cũng không ngừng cạnh tranh để thu hút Myanmar - một ví trí chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, Ấn Độ không hề kém cạnh.

Sau chuyến thăm "rất hài lòng" tới Bangladesh để củng cố quan hệ song phương, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cùng với Tổng tư lệnh quân đội Manoj Mukund Naravane cũng có chuyến thăm tới Myanmar.

New Delhi đã đề xuất đầu tư 6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy lọc dầu ở vùng Thanlyin gần Yangon, tờ Times of India (TOI) đưa tin.

Báo cáo cho biết các quan chức Ấn Độ và Myanmar đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến ổn định và an ninh biên giới và cam kết chung của họ là không cho phép các phần lãnh thổ tương ứng được sử dụng "cho các hoạt động gây hại cho nước còn lại".

Đây được coi là một động thái chiến lược nhằm đối trọng với Trung Quốc - quốc gia đã chiếm hơn 70% đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực năng lượng ở Myanmar, theo TOI. Bắc Kinh đã và đang thúc đẩy Hành lang Kinh tế Myanmar - Trung Quốc (CMEC) như một phần của Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI).

Bắc Kinh "mất điểm"

Tuy nhiên, Myanmar trước đó đã từ chối các kế hoạch của Bắc Kinh sau khi Tổng kiểm toán của nước này cảnh báo chính phủ về việc số nợ với Trung Quốc đang tăng.

Khoản nợ hiện tại của Myanmar là khoảng 10 tỷ USD, trong đó 4 tỷ USD là nợ Trung Quốc, Tổng kiểm toán Maw Than phát biểu trong cuộc họp báo ở Naypyidaw, Economic Times đưa tin.

Ông nói: "Sự thật là các khoản vay từ Trung Quốc có lãi suất cao hơn so với các khoản vay từ các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Vì vậy, tôi muốn nhắc nhở các bộ ngành chính phủ kiềm chế hơn trong việc sử dụng các khoản vay của Trung Quốc."

Bài học từ Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) và Cảng Hambantota của Sri Lanka đã đẩy các nước này vào nợ nần khiến New Delhi dường như "nhỉnh" hơn trong cuộc cạnh tranh này, Eurasian nhận định.

Myanmar hiện đang thận trọng trước khi chuyển giao các dự án cho các công ty Trung Quốc. Được biết, một công ty Thụy Sĩ đã ký kết với tư cách là bên thứ ba để xem xét kỹ lưỡng dự án đường sắt điện Muse - Mandalay do Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc Eryuan (CREEG) xây dựng.

Dự án đường sắt Muse - Mandalay được xây dựng theo Biên bản ghi nhớ do chính phủ Trung Quốc và Myanmar ký kết vào năm 2011, trị giá 8.9 tỷ USD.

Quốc gia Đông Nam Á khiến Ấn-Trung ra sức lấy lòng: Điều làm Bắc Kinh mất điểm? - Ảnh 3.

Đường sắt Muse - Mandalay. Ảnh: Beltandroad.news

Ấn Độ và Myanmar đang làm việc trong một dự án vận tải trung chuyển đi qua bang Mizoram, phía Đông Bắc Ấn Độ. Trong chuyến thăm hiện tại của các quan chức, Ấn Độ cũng công bố khoản tài trợ 2 triệu USD cho cây cầu Byanyu/Sarsichauk ở bang Chin, nối Mizoram (Ấn Độ) với Myanmar.

Ấn Độ đã tặng Myanmar 3.000 lọ Remdesvir minh chứng cho sự đoàn kết giữa hai nước khi cả hai đều đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại