GDP bình quân đầu người là một thước đo phổ biến để đo lường mức độ giàu có của một quốc gia và vùng lãnh thổ. Số liệu GDP bình quân đầu người năm 2023 theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Luxembourg là nước giàu nhất thế giới với GDP bình quân đầu người là 128.820 USD - cao gấp gần 415 lần so với quốc gia nghèo nhất thế giới, Burundi (303 USD).
Quốc gia nhỏ ở châu Âu này có dân số 634.000, nổi tiếng với ngành sản xuất thép, ngành dịch vụ tài chính lớn chiếm phần lớn sản lượng kinh tế. Xếp sau đó là Ireland và Thụy Sỹ với GDP bình quân đầu người lần lượt là 107.000 USD và gần 94.000 USD.
Nguồn visual capitalist
Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ giàu nhất nằm ở châu Âu và Bắc Mỹ (cũng là hai lục địa giàu nhất thế giới). Nổi bật trong đó có 2 đại diện đến từ châu Á là Qatar và Singapore. Singapore cũng là quốc gia ĐNÁ duy nhất lọt Top 10 trong bảng xếp hạng này, vượt qua cả Mỹ và Úc.
Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ nhất Đông Nam Á, nhưng lại là một trong những quốc gia có mật độ hộ gia đình triệu phú cao nhất với hơn 5% hộ gia đình có ít nhất 1 triệu USD tài sản tài chính ròng. Điều này một phần là do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi của đất nước, đã thu hút nhiều cá nhân và gia đình giàu có đến đất nước này.
Ngoài ra, sự ổn định chính trị, tỷ lệ tội phạm thấp và mức sống cao của Singapore cũng góp phần khiến Singapore trở thành nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc. Ở quốc đảo Sư tử còn có nhiều điều thú vị mà có thể ít người biết:
1. Không cần nhiều tài nguyên vẫn thịnh vượng
Dù không sở hữu tài nguyên mỏ dầu, khí đốt hay bất cứ loại khoáng sản đáng kể nào, nhưng Singapore vẫn có thể trở nên thịnh vượng một cách nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, dầu khí chính là ngành công nghiệp giúp Singapore giàu lên nhanh chóng. Đây là ngành đứng thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu của Singapore theo Dữ liệu của Đài Quan sát Kinh tế (OEC) năm 2020.
Bên cạnh đó, dù không có tài nguyên nhưng quốc gia này lại biết tận dụng những ưu thế đến từ vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng. Singapore nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng nối giữa Châu Á và Châu Âu cùng với việc sở hữu cảng nước sâu phù hợp đã thúc đẩy việc giao thương phát triển. Tạo nên một nền kinh tế mở, tiếp cận được với những nguồn lực từ Phương Tây.
Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng khi xuất khẩu đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính nhờ coi trọng xuất khẩu mà Singapore đã trở thành một trong 4 "con hổ" Châu Á.
2. Nền giáo dục phát triển
Singapore cùng với Nhật Bản là một trong hai nước Châu Á được công nhận có nền giáo dục tốt nhất toàn cầu. Quốc gia này áp dụng phương pháp giáo dục truyền thống kết hợp với hệ thống chương trình theo châu Âu, giúp nâng cao chất lượng đào tạo học sinh sinh viên tại đây.
Sự sáng tạo này không chỉ bồi dưỡng từ kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt, giúp mọi người có thể thích nghi với những thay đổi thời đại mới một cách nhạy bén. Bằng chứng là theo bảng xếp hạng PISA, học sinh Singapore đứng đầu trong hơn 120 quốc gia về toán học, teamwork, đọc,… Đây cũng là một trong những lý do quốc đảo này thu hút số lượng lớn học sinh, sinh viên toàn cầu du học Singapore.
3. Quốc gia có nhiều “cái nhất”
Singapore cũng là một trong những quốc gia nổi tiếng với nhiều cái nhất. Nổi bật là có sở thú được đánh giá là tốt nhất thế giới, cảng biển tốt nhất thế giới và đứng đầu Châu Á về mức độ thân thiện và môi trường, có sân bay quốc tế Changi lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, bánh xe Ferris Singapore Flyer cao 165 mét và cao nhất thế giới, có Orchard Road - Con đường mua sắm nổi tiếng nhất Châu Á…. Đây cũng là điểm đến được Tổ chức Intelligence Unit của Economist đánh giá là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới. Không những thế, quốc đảo này còn có chỉ số xếp hạng “an toàn cá nhân” thuộc hàng cao nhất thế giới.
(Tổng hợp: Tổ quốc, Vietnambiz, Nhipcaudautu…)