Quốc gia có trữ lượng khí đốt hàng đầu thế giới chật vật vì khủng hoảng năng lượng, người dân phải dùng than, chặt cây lấy củi để chống chọi với mùa đông

Y Vân |

Tình trạng thiếu hụt khí đốt kinh niên buộc người dân Uzbekistan phải sử dụng các nhiên liệu thay thế dù quốc gia Trung Á này sở hữu trữ lượng khí đốt dồi dào.

 - Ảnh 1.

Năm 2021, Bộ trưởng Năng lượng Uzbekistan cho biết nước này sản xuất đủ khí đốt tự nhiên để có thể đáp ứng gấp 3 lần nhu cầu trong nước.

Nhưng sản lượng tại quốc gia giàu khí đốt này đã giảm trong nửa thập kỷ qua, khiến nhiều người Uzbekistan phải sử dụng than, củi và phân động vật khô để sưởi ấm và nấu ăn. Nhiều nhà máy điện cũng sử dụng nhiên liệu là than.

Vấn đề trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông khi nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt khí đốt tự nhiên dai dẳng.

Nhà hoạt động Abdusalom Ergashev, sống ở thành phố Ferghana, cho biết: “Trời khá lạnh kể từ cuối tháng 11. Chúng tôi đang gặp vấn đề về nguồn cung khí đốt không chỉ ở các làng mạc mà còn ở cả thành phố”.

“Ở khu trung tâm thành phố nơi tôi sống, áp suất khí trong đường ống giảm xuống mức rất thấp vào mùa đông đến nỗi bếp thậm chí không ấm lên được. Mọi người không còn lựa chọn nào khác, buộc phải sử dụng than và phân động vật, thậm chí chặt cây”, Ergashev cho biết.

Việc chặt cây trái phép đã trở nên phổ biến đến mức chính phủ phải tăng hình phạt. Theo luật có hiệu lực vào tháng 2, những cá nhân bị kết tội chặt cây trái phép có thể phải nộp phạt 1.300 USD. Các quan chức chính phủ, công ty hoặc các tổ chức khác chịu mức phạt cao hơn.

Nhiều người Uzbekistan, đặc biệt là những người sống ngoài khu vực thành thị, cho biết họ bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông trước nhiều tháng bằng cách tích trữ củi, thu gom và phơi khô phân gia súc, và mua than. Trong nhiều hộ gia đình, thậm chí cả vỏ quả óc chó và hạt trái cây cũng được sử dụng làm nhiên liệu.

Mỗi hộ gia đình trung bình ở làng đốt khoảng 1,5 tấn than trong mùa đông, ngoài ra còn có củi, thân cây bông, phân khô và các nhiên liệu khác.

Với trữ lượng đã được chứng minh ước tính là 1,8 nghìn tỷ mét khối, quốc gia Trung Á với khoảng 36 triệu dân này nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu thế giới về khí đốt tự nhiên.

Nhưng theo chính phủ, các mỏ đã khai thác từ lâu đang dần cạn kiệt và trữ lượng ngày càng khó khoan hơn, đồng thời cho biết cần có công nghệ hiện đại hơn.

Theo số liệu thống kê chính thức, trong 10 tháng đầu năm 2024, Uzbekistan đã sản xuất gần 39 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018, quốc gia này sản xuất được khoảng 61,6 tỷ mét khối. Sản lượng đã giảm xuống còn 46,7 tỷ vào năm 2023, giảm 24% trong 5 năm. Chính phủ có kế hoạch tăng dần sản lượng lên 62 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2030.

Tuy nhiên, chính phủ Uzbekistan được cho là đang kêu gọi người dân đốt nhiều than hơn.

Truyền thông Uzbekistan đưa tin, chính quyền đã yêu cầu cho hàng nghìn trường học, trường mẫu giáo và cơ sở y tế do nhà nước quản lý phải chuyển từ sử dụng khí đốt sang sử dụng than vào năm 2023.

Theo số liệu của chính phủ, khi sản lượng khí đốt giảm, sản lượng than tăng đều đặn. Sản lượng hàng năm tăng từ dưới 4 triệu tấn vào năm 2016 lên 6,5 triệu tấn vào năm 2023. Chính phủ nước này có kế hoạch tăng sản lượng lên 10 triệu tấn than vào năm 2025.

Theo Oilprice

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại